An toàn giao thông

Giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông

'Mỗi thanh niên là một tuyên truyền viên'

14:29, 17/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-An toàn giao thông (ATGT) hiện nay không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia mà trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Thời gian qua, được sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh cùng các ban, ngành, địa phương, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng số người chết vẫn còn ở mức cao, mức độ nghiêm trọng của TNGT ngày càng tăng, trở thành nỗi bức xúc của cả xã hội.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT nghiêm trọng đó là hiện tượng “nhờn luật” trong các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT còn xảy ra khá phổ biến. Do đó, giải pháp để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là rất quan trọng; trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cần được đặc biệt quan tâm thường xuyên với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Hội thi “Thanh niên với ATGT” mang lại ý nghĩa xã hội quan trọng, mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên về ATGT
Hội thi “Thanh niên với ATGT” mang lại ý nghĩa xã hội quan trọng, mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên về ATGT

Tai nạn giao thông - nỗi lo của toàn xã hội

Trong những năm gần đây, tình hình trật tự ATGT ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Mỗi ngày, các phương tiện thông tin đại chúng đều có bản tin về số lượng các vụ TNGT xảy ra trên các địa phương trên cả nước. Đáng báo động, tính chất các vụ TNGT ngày càng nghiêm trọng, thể hiện qua số người chết ngày một nhiều. Hàng năm, số vụ TNGT vẫn không hề suy giảm, ngược lại còn tăng lên rất nhiều. Mỗi ngày, Việt Nam bình quân có từ 20 - 25 vụ TNGT, nhiều nhất là xe máy. Ở Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2017 xảy ra 134  vụ, làm chết 105 người, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là tai nạn đường bộ với 122 vụ, làm chết 99 người, bị thương 94 người. Theo phân tích nguyên nhân gây ra tai nạn, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, người điều khiển phương tiện đi sai phần đường, làn đường và không làm chủ tốc độ…

Những năm qua, công tác tuyên truyền về ATGT là một trong những giải pháp cơ bản góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề ATGT. Hoạt động tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh cả về nội dung và hình thức, từ đó đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác đảm bảo ATGT; góp phần làm giảm TNGT. Tuy nhiên, nhìn chung công tác tuyên truyền thời gian qua vẫn còn những hạn chế, chưa tập trung vào từng đối tượng, chỉ làm vào các đợt cao điểm, mang tính hình thức.

Trước thực tế đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT và hưởng ứng năm ATGT 2017 với chủ đề: Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, tỉnh đã cụ thể hóa những nội dung tuyên truyền như phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Văn hóa giao thông”, xây dựng và triển khai mô hình quần chúng tự quản về trật tự ATGT tiêu biểu. Nhất là qua Hội thi “Thanh niên với ATGT” từ 3 cấp xã, huyện, sở, ngành; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ATGT trong thanh, thiếu niên dưới hình thức trực tuyến”… Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, cách ứng xử khi tham gia giao thông; góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT và hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.

Tìm hiểu pháp luật về ATGT qua hình thức trực tuyến giúp đoàn viên, thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm của tuổi trẻ trước vấn đề tai nạn giao thông
Tìm hiểu pháp luật về ATGT qua hình thức trực tuyến giúp đoàn viên, thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm của tuổi trẻ trước vấn đề tai nạn giao thông

Xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ

Theo các chuyên gia, TNGT xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do ý thức của người tham gia giao thông kém. Thứ hai, do kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, đồng bộ. Vì thế, mọi giải pháp để TNGT được kiềm chế và giảm thiểu khi và chỉ khi chúng ta xuất phát từ việc giải quyết hai vấn đề này. Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân cần xác định là một quá trình lâu dài. Trong đó, biện pháp được xem là giáo dục hữu hiệu nhất xuất phát từ công tác tuyên truyền, xây dựng nền tảng văn hóa giao thông. Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông.

Thanh, thiếu niên nói chung, tuổi trẻ học đường nói riêng là những “tương lai của đất nước” phải suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm TNGT cho xã hội, đồng thời thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia giao thông. Văn hóa tham gia giao thông bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm như nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, người già, chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đội mũ bảo hiểm đúng cách, an toàn khi điều khiển phương tiện…; qua đó không những phòng ngừa TNGT cho bản thân, mà còn thể hiện nét đẹp trong văn hóa của người dân.

Hiện nay, có một thực tế là trong suy nghĩ của đại đa số người tham gia giao thông là trách nhiệm, biện pháp phòng ngừa TNGT thuộc về nhiệm vụ của cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông chứ không phải của chính bản thân mỗi người. Điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền chưa thực sự đi sâu vào mọi tầng lớp nhân dân. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ một cách sâu rộng phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, thực hiện đồng bộ, rộng khắp.

Muốn công tác tuyên truyền Luật có hiệu quả phải huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cùng tham gia. Biện pháp tuyên truyền thể hiện dưới nhiều hình thức, nội dung như tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông báo, đài phát thanh, truyền hình; qua các cuộc tọa đàm, hình ảnh trực quan tại các điểm công cộng, trung tâm; qua các hội thi, cuộc thi sân khấu hóa… Đối với học sinh, các bậc phụ huynh hãy là những tuyên truyền viên cho con em mình. Đối với nhà trường, nên đưa giáo dục pháp luật giao thông thành một môn học chính khóa, qua đó giúp học sinh trang bị những kiến thức cơ bản về các quy định của luật Giao thông đường bộ, công tác phòng ngừa TNGT trong học đường.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc nâng cao và sử dụng hiệu quả thông tin trên mạng Internet, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin cần thiết của mỗi người, vì vậy, sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền cũng là một công cụ hiệu quả nhằm kết nối các thành viên trong diễn đàn vì ATGT. Mạng xã hội không chỉ hấp dẫn, thu hút giới trẻ bởi tính năng động và trẻ trung thông qua các ứng dụng chat, game mà đang trở nên gần gũi hơn với tầng lớp như đối tượng hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi vì thông qua đó các cá nhân có thể kết nối, sự tương tác của ứng dụng giúp bạn bè được gần nhau, là kênh dễ nắm bắt, tìm hiểu thông tin hơn.

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, thanh niên là đối tượng vi phạm và gây TNGT nhiều nhất (chiếm 70% tổng số vụ). Thống kê cho thấy, lái xe gây TNGT từ 16 - 26 tuổi chiếm hơn 40%. Đây là đối tượng rất dễ bị kích động, ý thức tham gia giao thông kém, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT như: Đua xe trái phép, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…

Trong thời gian qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh ta đã được sửa chữa, nâng cấp giúp người dân được đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được đầu tư thì nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về ATGT còn hạn chế. Thanh niên khi điều khiển phương tiện chưa hiểu hết Luật Giao thông đường bộ, không chấp hành quy định về phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ nên ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT. Nghịch lý này đã đặt ra trách nhiệm cho giới trẻ trong việc xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông. Do đó, đã đến lúc cần những phân tích, đánh giá khách quan, nghiêm túc, khoa học nguyên nhân gây ra TNGT, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để đề ra cách làm thiết thực, hữu hiệu.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; tăng cường phối hợp với nhà trường và Đoàn Thanh niên thường xuyên nhắc nhở đoàn viên, thanh niên chấp hành các quy định về ATGT. Bản thân mỗi người, nhất là thanh niên khi tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành các quy định về ATGT. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong đoàn viên, thanh niên là nhằm giúp mọi người ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, để mỗi đoàn viên, thanh niên thực sự là những tuyên truyền viên trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Xuân Thống

Các tin khác