(Congannghean.vn)-Tháng 9 được chọn là tháng cao điểm an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đến trường với mục tiêu nâng cao ý thức, văn hóa của các em trong việc chấp hành quy định pháp luật về ATGT, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành trong đó có 2 ngành Công an và Giáo dục, ý thức của học sinh nhìn chung đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra.
Đội CSGT Công an TP Vinh xử phạt các trường hợp học sinh đi xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ |
Để chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm các quy định về ATGT, trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn chỉ đạo các nhà trường, các cơ sở giáo dục triển khai nhiều giải pháp. Tất cả các trường học trên địa bàn đã tập trung phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông; tổ chức các buổi ngoại khóa hay trong các tiết học, buổi chào cờ đều lồng ghép nội dung giáo dục ATGT, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Các nhà trường phải tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, không điều khiển xe máy, xe gắn máy khi chưa đủ độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định; không đi xe máy điện, môtô điện chưa đăng ký và gắn biển số…
Bên cạnh đó, các nhà trường chủ động phối hợp với lực lượng chức năng triển khai có hiệu quả tháng cao điểm. Tích cực giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trước, trong, sau giờ tan học. Xử lý nghiêm theo quy định những học sinh vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Các nhà trường lập danh sách quản lý chặt chẽ học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện đến trường để theo dõi.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải nhà trường nào cũng thực hiện được những nội dung này, nhất là tình trạng ùn tắc trước cổng trường trước, sau giờ tan trường. Khảo sát tại một số cổng trường THPT trên địa bàn TP Vinh, dễ dàng nhận thấy tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm vẫn còn diễn ra. Chưa kể nhiều phụ huynh đưa đón con không đỗ xe đúng nơi quy định, đỗ xe ở khu vực có biển cấm, đứng lộn xộn trước cổng trường, không đội mũ bảo hiểm cho con khi đưa đón.
Lực lượng CSGT xử phạt trường hợp học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm |
Theo 1 cán bộ Đội CSGT Công an TP Vinh, học sinh vi phạm giao thông chủ yếu các lỗi như: Không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Đặc biệt, nhiều học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ chỉ mang tính đối phó, khi không có lực lượng chức năng thì lại tái phạm.
Thời gian qua, Đội CSGT Công an thành phố đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm giao thông qua 2 hình thức công khai và mật phục. Với mục đích là xử phạt vừa mang tính răn đe, vừa tuyên truyên truyền, giải thích để các em không tái phạm, có ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT trong nhà trường.
Trung tá Nguyễn Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vinh cho biết: Sau khi tuyên truyền, giải thích, đối với những trường hợp vi phạm, chúng tôi xử lý nghiêm và gửi thông báo ngay cho nhà trường để có hình thức xử lý. Trong quá trình tuần tra công khai, tổ công tác tiến hành ghi hình để xử lý nguội. Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ có trách nhiệm của lực lượng Công an mà nhà trường cần phải tăng cường giáo dục, theo dõi, kiểm soát học sinh trong việc điều khiển phương tiện và có hình thức xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm.
Được biết, tại điều lệ trường học và quy định đánh giá xếp loại học sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định học sinh vi phạm quy định về ATGT có thể xử lý ở mức cao nhất là buộc thôi học có thời hạn, xếp loại hạnh kiểm yếu. Quy định là vậy nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Vì vậy, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục thì việc xử lý cũng cần quyết liệt hơn.
Xét cho cùng, để giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông để tự giác chấp hành, tạo cho các em có thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Và, để làm được điều này, ngoài lực lượng Công an, nhà trường thì quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình.