An toàn giao thông
Hiểm họa rình rập từ những cây cầu treo xuống cấp
(Congannghean.vn)-Hiện nay, do sử dụng nhiều năm, cộng với việc thiếu kinh phí bảo dưỡng nên phần lớn những cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang xuống cấp. Điều đáng nói, nhiều cây cầu mặt cầu chỉ làm bằng tre, gỗ… hiện đã mục nát, hư hỏng. Đây là mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với người dân địa phương mỗi khi qua lại trên những chiếc cầu này.
Cầu treo Đò Rô bắc qua sông Con nối nhiều xã thuộc huyện Tân Kỳ bị hư hỏng nghiêm trọng |
Có mặt tại cầu treo Đò Rô bắc qua sông Con, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, chúng tôi mới thấy được mối nguy hiểm rình rập mỗi khi người dân đi qua đây. Cây cầu này được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010, đến năm 2012 đã được nâng cấp sửa chữa. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất huyện Tân Kỳ, nối đường mòn Hồ Chí Minh đi các xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn và ngược lên Quốc lộ 48 đi các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt người tham gia lưu thông qua cây cầu này; trong đó có một số lượng lớn học sinh cấp 3 của Trường THPT dân tộc nội trú Tân Kỳ.
Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Hiện tại, hàng trăm đinh ốc, vít sắt cố định các tấm gỗ lát mặt cầu Đò Rô đã bị mất, chỉ còn trơ lại khuy, nhiều nẹp sắt cũng bị mất đinh ốc nên bật cong lên phía trên như lưỡi dao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của cầu treo Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, chúng tôi không khỏi rùng mình: Các ván cầu đã bị gãy, rất dễ sập, mỗi khi có người đi qua, chiếc cầu rung lên bần bật... Thế nhưng, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người và phương tiện qua lại cây cầu. Anh Phạm Văn Ngọc, một người dân địa phương cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi đều đi qua cầu treo này nhưng không ngớt lo sợ. Ngoài việc ván cầu bị gãy, hư hỏng thì nhiều dây cáp, tay vịn cầu bị rỉ sắt không biết khi nào sẽ bị đứt. Biết nguy nhiểm là thế nhưng người dân cũng phải đi qua vì không biết đi đường nào nữa...”.
Tại huyện Quế Phong - một trong những địa phương có số lượng cầu treo lớn trên địa bàn tỉnh, 12 cây cầu treo trải đều ở 12 xã đã và đang bị xuống cấp. Trong đó, cầu Bản Quạnh, cầu Bản Bố, cầu Bản Quyn hư hỏng nghiêm trọng. Hệ thống dầm dọc, ngang bằng thép định hình và cáp chủ, dây neo, dây chống lắc của cầu đã bị hàn gỉ, mặt cầu bị mực nát hư hỏng khoảng 80%, đường dẫn vào cầu và ta luy đường dẫn đã bị sạt lở, tiềm ẩn nguy hiểm.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 51 cầu treo dân sinh được đầu tư xây dựng (trong đó có 9 cây cầu được xây dựng từ năm 2014). Tuy nhiên, qua kiểm tra thì có đến 42 cây cầu (chiến 82%) đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các cầu treo trên địa bàn tỉnh đều không có biển báo về trọng tải hoặc hướng dẫn người dân đi lại an toàn. Đặc biệt, nhiều cầu treo được xây dựng gần 10 năm, hệ thống cáp treo, mặt cầu kết cấu thép đã bị rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ sập bất cứ lúc nào...
Qua tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống cầu do các địa phương quản lý hầu như rất ít được bảo dưỡng thường xuyên, hoặc có bảo dưỡng cũng chỉ dừng lại ở việc bôi mỡ cáp, bổ sung tạm mặt cầu bằng tre, gỗ để đi lại, chứ chưa thực hiện đủ các yêu cầu để duy trì khả năng khai thác và tăng tuổi thọ của cầu. Ngoài ra, hầu hết hệ thống cầu chỉ được duy tu, bảo dưỡng bằng hình thức huy động ngày công lao động của nhân dân trong tháng chiến dịch toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, nên không có hồ sơ lưu về kiểm tra, sửa chữa hệ thống cầu, đường.
Với thực trạng nhiều cầu treo dân sinh xuống cấp như hiện nay, Sở GTVT tỉnh đã đề nghị chính quyền các huyện tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để tăng tuổi thọ và duy trì khả năng khai thác của cầu, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; bố trí cắm biển hướng dẫn giao thông, tải trọng cho phép, phù hợp với khả năng chịu tải của từng cây cầu.
Cao Loan