(Congannghean.vn)-Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm 6 người chết, 6 người bị thương và hư hỏng một số tài sản. Để hạn chế TNGT đường sắt, thời gian qua, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra tại một số đường ngang dân sinh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên điểm giao cắt đường ngang dân sinh với đường sắt tại Km299+623 thuộc xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc |
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Theo thống kê, đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn Nghệ An có tổng chiều dài 95,5 km, đi qua địa bàn TX Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và TP Vinh với 233 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Điều đáng nói, trong đó có 51 điểm giao cắt với đường ngang nhưng chỉ có 36 điểm có gác chắn và biển cảnh báo tự động, 182 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, chủ yếu do người dân tự mở. Tại địa bàn huyện Diễn Châu có 61 nút giao cắt đồng mức, giao cắt với đường ngang dân sinh. Trong đó chỉ có 5 nút có gác chắn, 9 nút có biển cảnh báo tự động, còn lại 47 nút chưa có báo hiệu nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Còn tại địa bàn huyện Nghi Lộc, có 12 nút giao cắt với đường ngang dân sinh. Trong đó, chỉ có 5 nút có gác chắn, còn lại 7 nút chưa có báo hiệu.
Điển hình như: Tại đường ngang dân sinh vào xóm 16, xã Nghi Long thuộc Km307+500 đường sắt Bắc - Nam hiện chưa có hệ thống cảnh báo ATGT như chuông cảnh báo, đèn tín hiệu, barie tự động, vạch sơn dừng. Còn tại điểm giao cắt đường ngang dân sinh nối Quốc lộ 1A vào xóm 4, xã Nghi Yên với đường sắt tại Km299+623, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập: Đường sắt quá gần và cao hơn Quốc lộ 1A đến 1 m, tạo độ dốc lớn, hạn chế tầm nhìn của lái xe; mặt đường ngang thấp hơn bề mặt đường ray đến 5 cm và trong lòng đường ray chưa được xử lý êm thuận. Đường ngang này cũng không có đèn tín hiệu, barie hay chuông cảnh báo.
Thực trạng trên là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNGT đau lòng tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Điển hình như: Ngày 1/2/2017, trong lúc băng qua điểm giao với đường sắt ở huyện Quỳnh Lưu, 1 ôtô đã bị tàu hỏa đâm khiến 4 người nguy kịch. Mới đây, vụ TNGT giữa đoàn tàu SE6 và xe ôtô 4 chỗ xảy ra vào chiều 4/7 trên điểm giao cắt đường ngang dân sinh với đường sắt Km299+623 thuộc xóm 4, xã Nghi Yên đã làm 2 người tử vong tại chỗ và 2 người bị thương nặng.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT đường sắt, hạn chế tối đa TNGT, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã phối hợp với Cục CSGT - Bộ Công an, Công an các huyện, thành, thị và địa phương có đường sắt đi qua kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác đảm bảo TTATGT.
Đầu năm 2017, Đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra tại 8 nhà ga, 13 đường ngang có gác, 8 đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động và 18 đường ngang phòng vệ bằng biển báo; tiến hành xử lý 8 trường hợp lấn chiếm ATGT đường sắt.
Tiếp đó, vào ngày 19/6/2017, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt ban hành Kế hoạch số 103/ KH-PC67 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT đường sắt. Đơn vị đã phối hợp với Đội Thanh tra an toàn số 5 (Cục Đường sắt Việt Nam), lực lượng nghiệp vụ thuộc C67 - Bộ Công an và địa phương có tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại các đường ngang, lối đi dân sinh có lưu lượng người và phương tiện giao thông đường bộ qua lại đông.
Sau 20 ngày triển khai thực hiện (từ 3 - 23/7/2017), các lực lượng chức năng đã tổ chức rà soát, kiểm tra thực tế tại 7 ga đường sắt và các đường ngang, lối đi dân sinh có lưu lượng người và phương tiện giao thông đường bộ qua lại đông. Qua đó, phát hiện và lập biên bản 11 trường hợp vi phạm TTATGT đường sắt, ra quyết định xử phạt nộp kho bạc Nhà nước tổng số tiền 10.400.000 đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không có vạch dừng, vạch nhường đường, gờ giảm tốc độ tại các đường ngang; đoạn đường dẫn vào đường ngang gồ gề, gây khó khăn cho phương tiện qua lại; biển báo khuất tầm nhìn, các đường ngang biển báo có mật độ người và phương tiện qua lại lớn, tiểm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt nhưng chưa bố trí người chốt gác; nút giao thông đường bộ và đường sắt đang bị thắt nút cổ chai…
Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra liên ngành còn tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT đường sắt cho các hộ dân sống dọc 2 bên đường sắt và tổ chức cho họ ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Qua đó, vận động người dân tự giác dỡ bỏ các công trình vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, không tự ý mở các đường ngang dân sinh trái phép đi qua đường sắt.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý vi phạm, Đoàn đã trực tiếp tuyên truyền đến người tham gia giao thông tại các đường ngang, lối đi dân sinh về quy tắc an toàn khi tham gia giao thông đường sắt.
Để thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT đường sắt, thời gian tới, Đoàn thanh tra liên ngành đề nghị các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT đường sắt; thực hiện tốt quy chế phối hợp đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nắm bắt kịp thời tình hình TTATGT dọc tuyến và các đường ngang để có các biện pháp xử lý những vấn đề bất cập, tồn tại nhằm giảm thiểu TNGT đường sắt trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.