(Congannghean.vn)-Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Nghệ An triển khai trong thời gian qua. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi vi phạm và làm giảm những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đáng tiếc có thể xảy ra…
Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra vi phạm quy định về nồng độ cồn trên tuyến Quốc lộ 1A |
Gia tăng tai nạn giao thông do lạm dụng bia, rượu
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 148 vụ TNGT, làm 123 người chết, 115 người bị thương, thiệt hại tài sản hàng tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 26 vụ, 6 người chết, 3 người bị thương. Qua điều tra nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT cho thấy, bên cạnh yếu tố khách quan cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông, trong đó nguyên nhân do người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông dẫn đến không làm chủ tay lái, gây tai nạn chiếm tỉ lệ cao.
Những vụ TNGT do người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia gây ra luôn để lại hậu quả rất lớn. Điển hình như vụ TNGT xảy ra vào ngày 30/12/2016, tại Km 23+400 (thuộc địa bàn xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên), giữa xe ôtô tải BKS 37S-8990, do anh Nguyễn Văn Nhạ (SN 1963) trú tại khối 14, phường Trường Thi, TP Vinh điều khiển, đâm vào xe máy BKS 37KG-4795, do chị Bùi Thị Phương (SN 1973) điều khiển, chở sau anh Nguyễn Quang Hùng (SN 1968), đều trú tại xóm 5, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên. Cú va chạm mạnh làm 2 người điều khiển xe máy bị thương nặng, phải đi cấp cứu, chiếc xe máy bị hư hỏng nghiêm trọng. Nguyên nhân do lái xe tải điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, phóng nhanh, không làm chủ tốc độ, gây ra tai nạn.
Hay như vụ TNGT xảy ra vào trưa 3/3/2017, xe máy BKS 37B1-631.16, do Nguyễn Đình Ánh (SN 1986) trú tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu điều khiển, chở theo Trần Mạnh Tuấn (SN 1983) trú tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn và Phạm Văn Hiệu trú tại xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đâm vào xe ôtô tải đang lưu thông trên QL48 đoạn qua xóm Đông Hồng, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu. Vụ tai nạn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định do 3 nam thanh niên này đã sử dụng rượu, bia.
Nghiêm trọng hơn là vụ TNGT xảy ra vào khoảng 13 giờ ngày 1/2/2017, giữa xe ôtô BKS 37C-062.02, do anh Phạm Văn Lai (41 tuổi) điều khiển, va chạm với 2 xe máy BKS 29U6-2956 và 37H6-4607 trên cầu Rộ bắc qua Sông Lam. Vụ tai nạn khiến 4 người trong một gia đình đi trên 2 xe máy bị thương vong, trong đó 3 người rơi từ mặt cầu xuống chân cầu với độ cao khoảng 15 m, gây tử vong và 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân là do tài xế xe tải đã uống rượu nhưng vẫn điều khiển phương tiện, phóng nhanh, không làm chủ được tốc độ và lao xe vào 2 chiếc xe máy đang đi đường.
Nguyên dân dẫn đến các vụ TNGT nêu trên đều do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn, làm tổn thất lớn về người và của; đồng thời, gây ách tắc cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông trong nhiều giờ tại các tuyến đường xảy ra tai nạn. Điều này cho thấy, việc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo ANTT và ATGT trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường xử lý các vi phạm
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi vi phạm và số vụ TNGT liên quan đến việc lạm dụng rượu, bia, thời gian qua, lực lượng CSGT đã phối hợp với lực lượng chức năng đồng loạt ra quân, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Cán bộ Trạm CSGT Diễn Châu kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp để thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, trong đó có việc kiểm tra, tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cùng với công tác xử lý vi phạm, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ đến từng bản, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học trên phạm vi toàn tỉnh. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Theo Nghị định 46, hành vi vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cao nhất xử phạt là từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại phương tiện như ôtô; phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện). |
Theo báo cáo của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, tính đến ngày 15/7/2017, lực lượng CSGT đã tiến hành xử lý 4.479 trường hợp vi phạm điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn quá mức quy định, phạt tiền hơn 7,6 tỉ đồng, tạm giữ hơn 1.000 phương tiện, tước giấy phép lái xe 786 trường hợp. Dù vậy, theo Đại tá Cao Minh Phượng: “Hiện nay, việc người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện khá phổ biến. Tuy nhiên, công tác xử lý còn gặp một số hạn chế, như chỉ mới tập trung xử lý mạnh vào những đợt cao điểm, nhân lực còn thiếu nên việc bố trí tuần tra khép kín tuyến chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, việc ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đạt hiệu quả chưa cao”.
Thiết nghĩ, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể; đặc biệt là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, đã uống rượu, bia thì không lái xe. Có như vậy, những cuộc vui bia, rượu mới không trở thành nỗi buồn, góp phần kiềm chế, TNGT, đảm bảo ANTT, trật tự ATGT trên địa bàn.