(Congannghean.vn)-Ngày 1/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ tăng mạnh. Một trong những lỗi vi phạm bị tăng mức xử phạt đang được người dân quan tâm là lỗi điều khiển phương tiện vượt đèn vàng.
Người tham gia giao thông dừng xe chờ tín hiệu đèn giao thông trên đường Trường Thi, TP Vinh |
Sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 46 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa số người dân đồng tình với việc xử phạt vượt đèn vàng để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT). Song, do khó khăn trong việc xử phạt nên lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở mà ít xử phạt lỗi này. Một số người điều khiển phương tiện hễ thấy đèn xanh chuyển sang đèn vàng là phóng thật nhanh để không phải chờ đèn đỏ, bất chấp hậu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến TNGT.
Trên thực tế, thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do vượt đèn đỏ, đèn vàng. Điển hình: Vào lúc 11 giờ 25 phút ngày 20/9, tại ngã tư cầu Bến Thủy, TP Vinh, xe ôtô BKS 37C-190.69 do anh Lê Văn Kiên (SN 1989) trú tại xóm 8, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương điều khiển, do vượt đèn vàng nên đã đâm vào xe máy BKS 38N1-084.49 do chị Lê Thị Thảo (SN 1972) điều khiển, chở theo sau chị Nguyễn Thị Thu (SN 1969) trú tại thị trấn Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cú đâm mạnh khiến 2 phụ nữ bị thương nặng, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.
Theo quy định tại Nghị định số 46, từ ngày 1/8/2016, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô. Riêng người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Đối với người đi xe đạp, xe đạp điện, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt 60.000 - 80.000 đồng. Trường hợp người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng vi phạm phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông.
Cụ thể, Khoản 3, Điều 10 của Luật quy định tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, cụ thể như sau: Tín hiệu đèn xanh sẽ được đi; tín hiệu đèn đỏ các phương tiện phải dừng lại; tín hiệu đèn vàng thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Đối với trường hợp đi quá tức là phương tiện đã đi qua vạch sơn, sau đó đèn vàng mới bật. Còn phương tiện đi liền kề phía sau nhìn thấy tín hiệu đèn vàng bật sáng thì phải dừng lại ngay. Trong trường hợp tín hiệu đèn vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được phép đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” là việc người điều khiển phương tiện không chấp hành theo các tín hiệu đèn được quy định. Đối với việc một số người vẫn hiểu vượt đèn vàng là được phép hoặc nếu vi phạm thì chỉ bị nhắc nhở… là cách hiểu không đúng. Bởi khi thấy đèn vàng, phương tiện phải giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng; trừ trường hợp khi đèn xanh, phương tiện đã vượt qua vạch dừng, khi đang trong khu vực nút giao ngã ba, ngã tư… đèn chuyển vàng thì vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thời gian qua, ngoài tăng cường TTKS khép kín địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, lực lượng CSGT còn phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận tham gia giao thông chủ quan dẫn đến vi phạm, trong đó có lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, người tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Khi có tín hiệu đèn vàng hãy giảm tốc độ, dừng xe trước vạch theo quy định, đợi tín hiệu đèn xanh hãy đi tiếp. Đừng vì tiếc vài chục giây chờ đợi mà lái xe bất cẩn, phóng nhanh vượt ẩu, gây TNGT.