Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201401/can-van-hoa-hon-nua-436327/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201401/can-van-hoa-hon-nua-436327/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần 'văn hóa' hơn nữa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 03/01/2014, 08:44 [GMT+7]

Cần 'văn hóa' hơn nữa

(Congannghean.vn)-Năm 2013 được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xem là năm “Văn hóa giao thông” khi triển khai với chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Tuy nhiên, yếu tố văn hóa khi tham gia giao thông và trách nhiệm văn hóa của người thực thi công vụ vẫn còn khá xa xỉ. Chúng ta vẫn đang cần nhiều hơn nữa ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông.
 
Triển khai quyết liệt
 
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 4/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch số 09/KH-UBATGTQG và Kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông 2013” với chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tham gia giao thông”, UBND tỉnh Nghệ An, Ban ATGT tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo TTATGT.
 
UBND tỉnh cũng tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TW ngày 9/1/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đảm bảo TTATGT. UBND tỉnh đã ban hành 12 kế hoạch, 16 quyết định, 1 chỉ thị và nhiều công văn, công điện chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND huyện về công tác tăng cường đảm bảo ATGT trên địa bàn. Thành lập 12 đoàn liên ngành kiểm tra các lĩnh vực quản lý Nhà nước về TTATGT như: Công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa; kiểm tra, xử lý tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông… Các ban, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT. Thường trực Ban ATGT tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị bám sát nhiệm vụ, trực tiếp kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm về ATGT để kịp thời tham mưu và đề ra những giải pháp xử lý. Công an tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT, đặc biệt là Kế hoạch 212/KH-CAT về tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật về ATGT, mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép, góp phần làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, không để xảy ra đua xe trái phép.
 
Năm nay, để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, công tác tuyên truyền đặc biệt được chú trọng, trong đó tập trung “đánh” mạnh vào ý thức của lớp trẻ. UBND tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đơn vị tổ chức lễ phát động ra quân hưởng ứng Năm ATGT, các hoạt động tuyên truyền thực hiện mục tiêu chương trình “Năm An toàn giao thông 2013”; “Chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông trên tuyến hành lang Quốc lộ 1A”; triển khai chương trình xây dựng “Cổng trường an toàn”; giao lưu “Học sinh, sinh viên hành động năm ATGT”…
 
Học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
Học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
 
UBND tỉnh phối hợp với Đảng ủy khối các cơ quan cấp tỉnh tổ chức ký cam kết cho tất cả cán bộ, công chức không vi phạm ATGT. Cùng với Ban Dân vận Tỉnh ủy, tổ chức tập huấn quán triệt các nội dung quy định của pháp luật về TTATGT cho cán bộ dân vận. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”, phong trào Văn hóa giao thông với bình yên sông nước, xây dựng bến đò kiểu mẫu, làng chài bình yên. Thanh tra GTVT phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tổ chức tập huấn về TTATGT cho hơn 4.000 người là thành viên Ban ATGT, báo cáo viên pháp luật, lãnh đạo tổ chức đoàn thể, xã hội cấp huyện…
 
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với Thường trực Ban ATGT tỉnh triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, vùng, miền. Sở GD&ĐT phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên như giao lưu, đối thoại trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, tổ chức ký cam kết giữa học sinh, nhà trường, phụ huynh chấp hành pháp luật về TTATGT. Phát hành 12.000 cuốn sách tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, cấp đổi gần 21.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Các cơ quan báo chí đăng tải hàng trăm bài viết liên quan đến TTATGT, tổ chức đối thoại trực tiếp, phỏng vấn người đứng đầu cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác đảm bảo TTATGT, qua đó nâng cao hiểu biết về pháp luật ATGT cho độc giả. Công an tỉnh gửi hơn 20.000 trường hợp vi phạm đến các cơ quan, tổ chức, địa phương nơi cư trú của người có hành vi vi phạm để kiểm điểm, giáo dục.
 
Văn hóa giao thông vẫn còn xa xỉ
 
Tuy các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt là thế, nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Chúng ta còn nhớ vụ “hôi bia” đáng xấu hổ của những người tham gia giao thông ở thành phố Biên Hòa, (Đồng Nai) thay vì giúp người bị nạn, người tham gia giao thông đã ào vào “hôi của” cho thấy ý thức của dân ta vẫn còn rất thấp. Ở tỉnh ta cũng vậy, chúng ta được chứng kiến vụ “hôi dưa hấu” vào năm 2011 trên địa bàn huyện Nghi Lộc khi một chiếc xe tải bị va chạm giao thông làm dưa hấu đổ tràn lan lòng đường. Người tham gia giao thông và người dân gần đó lao vào “hôi của” làm Quốc lộ 1A tắc nghẽn hơn 1 giờ đồng hồ. Không ít vụ giết người, cố ý gây thương tích xảy ra chỉ vì va quệt giao thông. Năm nay, tuy 3 tiêu chí đều giảm, nhưng đã có 304 vụ tai nạn giao thông, làm chết 199 người, 265 người bị thương, phần lớn là đi sai làn đường, không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát, đối tượng gây tai nạn chủ yếu tập trung vào giới trẻ và phương tiện tai nạn phần lớn là môtô.
 
Hy vọng trong các năm tới, sẽ không có những hình ảnh đáng xấu hổ như thế này
Hy vọng trong các năm tới, sẽ không có những hình ảnh đáng xấu hổ như thế này
 
Cùng với việc nâng cao ý thức, công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT được chỉ đạo triển khai quyết liệt với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông Vận tải, bước đầu đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Công an tỉnh tập trung chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng, kết hợp phát huy tối ưu các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm. Đã tổ chức 21.680 ca tuần tra kiểm soát với 77.829 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia. Phát hiện, lập biên bản 135.084 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.864 xe ôtô, 16.286 xe môtô, xử phạt 133.225 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 77 tỷ đồng.
 
Trong năm 2013, việc lắp đặt camera tại các điểm giao thông lớn đã góp phần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của người dân. Qua hệ thống camera, đã xử phạt 1.376 trường hợp, nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng. Trong các lỗi vi phạm, phần lớn vẫn thuộc về ý thức của người tham gia giao thông, như không đội mũ bảo hiểm chiếm 50% tổng số trường hợp người điều khiển xe môtô bị xử lý, gần 10.000 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Phần lớn lớp trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên vi phạm các lỗi này cho thấy, một bộ phận người dân vẫn chưa có văn hóa khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, thực trạng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật về ATGT, chống người thi hành công vụ đến mức báo động cho thấy một thực tế, họ bất chấp pháp luật, bất chấp tính mạng của người tham gia giao thông.
 
Năm “Văn hóa giao thông 2013” đã qua, nhưng văn hóa của người dân khi tham gia giao thông chưa thực sự có nhiều chuyển biến. Trên phố vẫn còn ngập những tiếng còi dồn dập đến chói tai; ý thức đi, dừng đúng phần đường còn rất ít, lái xe chưa tự giác trong việc nhường đường… Vẫn biết, để hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, thay đổi ý thức, thói quen của mỗi người rất khó, nhưng không phải là không làm được. Hy vọng trong năm tới, mỗi người tham gia giao thông luôn nâng cao nhận thức, ý thức để hình thành nên những người có văn hóa khi tham gia giao thông.
.

Ngọc Hùng