Thống kê của Cục CSGT cho biết: Chỉ qua 15 ngày đầu thí điểm xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống giám sát bằng hệ thống camera giám sát trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã phát hiện và xử lý gần 650 trường hợp vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu trên tuyến là: chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…
Theo Cục CSGT trong thời gian tới lực lượng CSGT tiếp tục xử lý vi phạm qua hình ảnh ngoài hiện trường và phối hợp giữa các địa phương thực hiện thông báo phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT và thông báo rộng rãi việc xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng CSGT qua hệ thống giám sát để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh đang là một hướng tập trung ưu tiên của lực lượng CSGT. Trên thực tế hình thức xử phạt khoa học và hiệu quả này đã được nhiều nước triển khai thực hiện và đạt được hiệu quả cao. Đánh giá về 15 ngày đầu tháng 11/2012 thí điểm hình thức này trên phạm vi khá rộng đã cho thấy kết quả rất đáng ghi nhận. Sự thường trực của hệ thống “mắt thần” camera trên tuyến quốc lộ hoạt động suốt ngày đêm đã khiến ý thức người điều khiển phương tiện, đặc biệt là các lái xe đã chuyển biến tích cực.
Giám sát vi phạm giao thông bằng hình ảnh trên quốc lộ 1A. |
Theo đại diện nhà thầu thực hiện hệ thống giám sát trật tự ATGT bằng camera tự động trên tuyến QL1 cho biết: Điều khác biệt, đối với thiết bị camera được lắp đặt trước đây trên một số tuyến quốc lộ thì chỉ đo được một phương tiện vi phạm. Còn hệ thống camera được lắp đặt lần này trên tuyến QL1, cùng thời điểm có thể giám sát trên 6 làn xe, ghi nhận tốc độ của từng loại phương tiện, với độ phân giải, xử lý hình ảnh sắc nét. Đặc biệt là về ban đêm khi mà các phương tiện giao thông vi phạm phổ biến.
“Đa số các vụ TNGT nghiêm trọng ở Việt Nam là do chạy quá tốc độ, vượt xe nguy hiểm, đổi làn bừa bãi và lái xe bất cẩn qua giao lộ, vượt đèn đỏ. Công nghệ cưỡng chế vi phạm qua camera sẽ tác động bền vững hơn đối với hành vi lái xe”, đó là ý kiến của bà Mavis Jonhnson - Giám đốc Chiến dịch An toàn đường bộ, thuộc Ngân hàng Thế giới tại “Hội nghị Quốc tế về an toàn giao thông tại Việt Nam năm 2012” vừa được tổ chức trong hai ngày 22 và 23/11 ở Hà Nội. Giải pháp mà theo bà Mavis Jonhnson đưa ra là nên đặt các thiết bị cưỡng chế những hành vi vi phạm. Con số 33 người chết mỗi ngày thực sự ám ảnh gần 600 nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.
Cũng liên quan đến việc xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hệ thống giám sát hình ảnh lại liên quan đến một vấn đề đang rất được dư luận chú ý thời gian qua. Đó là quy định xử phạt phương tiện không sang tên đổi chủ. Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: Quy định người mua bán, chuyển nhượng phương tiện giao thông đã có từ năm 1995, người bán xe phải trực tiếp thông báo việc bán xe cho CSGT địa phương. Trong vòng một tháng, người bán và người mua phải có trách nhiệm sang tên đổi chủ nếu không sẽ bị xử phạt. Quy định tại Nghị định 71 có điểm khác chăng chỉ là tăng mức phạt. Điều đáng lưu tâm nhất là không chỉ gây thất thu một khoản thuế lớn cho Nhà nước, các phương tiện giao thông sau khi mua bán không tiến hành sang tên, đổi chủ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông... Đây là điều đáng lo ngại nhất, đặc biệt khi xu hướng xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát sẽ được đẩy mạnh thời gian tới.
Nhiều chuyên gia, nhà làm luật cũng có chung sự đồng tình với quy định xử phạt như luật định. Trả lời báo chí, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cũng cho rằng: Phương tiện giao thông như ôtô, xe máy là những thứ có thể gây ra tai nạn, làm nguy hiểm đến tính mạng người khác. Không thể coi nó như những tài sản khác được. Nên khi mua bán phải làm hợp đồng, thủ tục sang tên đổi chủ.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc cũng đưa ra quan điểm cần phải xem xét trách nhiệm của cả bên mua lẫn bên bán vì phương tiện giao thông như ô tô, xe máy được xem là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe gây tai nạn phải chịu trách nhiệm về hành vi mình gây ra. Tuy nhiên, chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì đã giao xe cho người khác để dẫn đến tai nạn đó. Cho nên, khi trao phương tiện cho ai, dù cho mượn hay mua bán, chủ xe đều phải có trách nhiệm. Không thể mua bán, cho tặng tùy tiện được. Anh phải thực hiện đầy thủ tục sang tên đổi chủ thì mới hết trách nhiệm với phương tiện.
Có một điều cần phải thấy rằng: ý nghĩa, mục đích của quy định bắt buộc sang tên đổi chủ đối với phương tiện giao thông là hết sức cần thiết và rất nhiều người nhận thức được điều đó. Tuy nhiên khi đưa ra quy định xử phạt vi phạm lập tức lại có rất nhiều ý kiến phàn nàn và kêu… khó với đủ mọi lý. Một quy định pháp luật có từ năm 1995, tuy nhiên do ý thức chấp hành kém nên vi phạm vẫn tràn lan. Giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực của các cơ quan chức năng thôi thì chưa đủ. Làm được điều đó cần cả ý thức tự giác chung tay góp sức trong đó có việc chấp hành luật của người tham gia giao thông. Có như vậy thì những nỗ lực để giảm thiểu tai nạn, lập lại trật tự trên lĩnh vực nóng bỏng này mới đạt được hiệu quả.