Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201211/24200-se-xu-phat-nghiem-phuong-tien-khong-chuyen-quyen-so-huu-394200/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201211/24200-se-xu-phat-nghiem-phuong-tien-khong-chuyen-quyen-so-huu-394200/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sẽ xử phạt nghiêm phương tiện không chuyển quyền sở hữu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 17/11/2012, 07:16 [GMT+7]
24200

Sẽ xử phạt nghiêm phương tiện không chuyển quyền sở hữu

Ngày 10/11/2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực. Nhưng qua mấy ngày thực hiện, đã vấp phải một số ý kiến trái chiều trong dư luận xung quanh việc tăng cường xử lý vi phạm ATGT, đặc biệt là vấn đề xử phạt người điều khiển xe lưu hành không chính chủ.
 
Ngay sau khi Nghị định mới có hiệu lực, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An đã triển khai công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về ATGT, đồng thời tập trung tuyên truyền cho nhân dân nắm vững các quy định xử phạt mới.
 
Theo số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông, sau 4 ngày ra quân xử lý vi phạm giao thông theo Nghị định 71, đơn vị đã lập biên bản 1.722 trường hợp vi phạm, trong đó có 527 trường hợp xe ôtô, 1.195 xe môtô, tạm giữ 6 ôtô và 201 xe môtô, phạt tiền 1.829 trường hợp và nộp kho bạc Nhà nước 812.520.000 đồng.
 
Các lỗi vi phạm chủ yếu là do không đội mũ bảo hiểm, không có giấy chứng nhận bảo hiểm, vi phạm lỗi ATKT, không đăng ký, không có giấy phép lái xe...
 
Lực lượng Cảnh sát giao thông ra quân thực hiện các quy định của Nghị định 71/CP
 
Đa số người dân cho đến thời điểm này vẫn còn hiểu một cách mù mờ, không chính xác những quy định được sửa đổi trong Nghị định 71 của Chính phủ. Họ rất băn khoăn trước thông tin, khi bị lực lượng giao thông kiểm tra, nếu đi xe mang tên những người thân trong gia đình thì phải mang theo và xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... để chứng minh nguồn gốc của chiếc xe mà bản thân đang sử dụng.
 
Người dân cho rằng việc làm này thật nhiêu khê, phiền toái và mất thời gian. Chị Hoàng Ngọc Oanh ở xã Hưng Lộc bộc bạch: “Đầu năm, tôi có mua cho con trai một chiếc xe máy để đi học ĐH ngoài Hà Nội. Nhưng để quản lý chặt tài sản nên tôi đã đăng ký xe mang tên mình. Bây giờ, con trai tôi không dám đưa xe đi học, sợ bị phạt vì xe không chính chủ”.
 
Còn anh Nguyễn Hữu Ngọc - ở khối 3 phường Cửa Nam lại cho rằng: “Theo tôi thì mức xử phạt không chuyển quyền sở hữu phương tiện từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe máy và từ 6 - 10 triệu đồng đối với chủ xe ô tô là rất lớn, nhưng vì mình cố tình vi phạm thì cũng phải chấp hành thôi”.
 
Trao đổi với chúng tôi về những băn khoăn trên, thượng tá Bạch Hưng Dũng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: “Những quy định xử phạt vi phạm về trường hợp người tham gia giao thông không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có từ lâu. Và từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt hàng nghìn trường hợp xe mua bán mà sau 30 ngày vẫn không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Các trường hợp bị xử phạt nói trên là do quá trình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường có cơ sở xác định được chủ xe khi mua bán chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Còn các trường hợp chưa đủ cơ sở để xác định thì khi chủ phương tiện đến Cơ quan Công an để làm thủ tục xử phạt phải có trách nhiệm chứng minh được phương tiện mình sử dụng là xe mượn, thuê hoặc xe đồng sở hữu. Và tất nhiên, nếu chứng minh được xe mình đang sử dụng là xe mượn, thuê, hoặc đồng sở hữu thì các trường hợp này không bị xử phạt”.
 
Thượng tá Bạch Hưng Dũng cũng cho biết thêm: “Do mức xử phạt đối với một số lỗi vi phạm, trong đó có lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe giáo dục, nên hiện nay, Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 chỉ nâng mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ nhằm siết chặt công tác quản lý và thực thi pháp luật đối với các chủ phương tiện không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc không làm đăng ký mới, răn đe giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân khi tham gia giao thông”.
 
Rõ ràng, việc tăng mức xử phạt đối với trường hợp không sang tên đổi chủ phương tiện giao thông là rất cần thiết. Trước hết, đối với lĩnh vực thuế thì các trường hợp không sang tên đổi chủ đã trốn nộp lệ phí trước bạ nên bắt buộc chủ phương tiện phải thực hiện đúng theo quy định.
 
Thứ 2, việc chủ phương tiện khi mua bán không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý ATTTXH và gây khó khăn cho cơ quan công an trong công tác điều tra, xử lý tội phạm khi các đối tượng sử dụng phương tiện gây án rồi bỏ trốn.
 
Vì thế, việc tăng mức xử phạt đối với phương tiện không sang tên đổi chủ sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý phương tiện được tốt hơn. Mặt khác, pháp luật đã quy định người dân được làm thủ tục sang tên chuyển quyền sở hữu khi mua bán phương tiện giao thông trong thời hạn 30 ngày. Điều này là nghĩa vụ nhưng cũng là quyền lợi của người dân trong việc sở hữu tài sản của mình.
 
Tuy nhiên, hiện nay, người tham gia giao thông không muốn tiến hành làm các thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện là do lệ phí trước bạ đối với các phương tiện giao thông còn quá cao, nhất là phí trước bạ đối với xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống quy định 10%.
 
Mặc dù, chiếc xe này đã đóng thuế trước bạ khi đăng ký mới. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên giảm lệ phí trước bạ, để tạo điều kiện cho nhân dân đóng thuế và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Như vậy, chắc chắn việc quản lý các phương tiện giao thông sẽ trở nên thuận tiện hơn bởi ai cũng muốn danh chính ngôn thuận được sở hữu tài sản của mình.

Hằng Nga
.