Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201202/18506-nguoi-dan-dong-tinh-tang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-398800/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201202/18506-nguoi-dan-dong-tinh-tang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-398800/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người dân đồng tình tăng mức phạt vi phạm giao thông - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 23/02/2012, 14:36 [GMT+7]
18506

Người dân đồng tình tăng mức phạt vi phạm giao thông

Về việc nâng hàng loạt mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ nêu trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đông đảo người dân bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng chế tài mạnh này.

Theo Dự thảo, nhiều lỗi vi phạm như dừng đỗ sai quy định, chở quá số người, đua xe trái phép, dùng rượu bia khi điều khiển phương tiện… được đề xuất tăng nặng mức xử phạt, ngoài xử phạt hành chính còn thêm hình phạt bổ sung như tịch thu xe, tước giấy phép lái xe không thời hạn, tạm giữ có thời hạn…

Trong đó, việc xử phạt đối với các hành vi đua xe trái phép, dùng rượu bia khi điều khiển phương tiện, chiếm dụng lòng đường đô thị, hè phố là những nội dung được nhiều người dân quan tâm và góp ý, đề xuất.

Xử phạt uống rượu bia khi tham gia giao thông: Đủ tính răn đe

Theo Dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất tăng mức phạt thật cao đối với vi phạm về uống rượu, bia điều khiển phương tiện, vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều tai nạn giao thông. Cụ thể, mức xử phạt cho hành vi vi phạm này tăng từ mức cao nhất là 6 triệu đồng đối với ô tô lên 25 triệu đồng.

"An toàn của khách hàng cũng chính là an toàn tính mạng của chúng tôi", anh Đặng Văn Thường - Ảnh: Chinhphu.vn

Hàng ngày chạy 2 lượt đi về tuyến đường Hà Nội - Bắc Kạn, anh Đặng Văn Thường, làm việc tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thưởng Nga rất đồng tình với mức xử phạt này. Theo anh Thường, lái xe khi uống rượu bia sẽ có khả năng gây tai nạn rất cao, không những gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân mà còn cho những hành khách ngồi trong xe của mình và các xe khác đang cùng tham gia giao thông.

"Bản thân chúng tôi khi đã lên xe, cầm vào tay lái là tuyệt đối không dùng rượu bia, an toàn của khách hàng cũng chính là an toàn tính mạng của chúng tôi, đây là cái nghiệp của người lái xe", anh Thường khẳng định.

Cùng chung suy nghĩ này, anh Nguyễn Hồng Sơn (Việt Trì), tài xế xe tải cho biết, mức xử phạt được điều chỉnh cao nhưng sẽ có tính răn đe lớn. Tuy nhiên, theo anh Sơn, cần xử phạt thật nghiêm, đúng đối tượng, xử phạt công bằng với tất cả các phương tiện vi phạm.

"Cần thành lập các đội tuần tra liên tục chạy trên đường để xử lý các hành vi vi phạm", anh Nguyễn Hồng Sơn - Ảnh: Chinhphu.vn

Anh Sơn nêu, "Tôi nghĩ cần thành lập các đội tuần tra liên tục chạy trên đường để xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời phải xử lý thật nghiêm, có như vậy mới hạn chế được các tai nạn đáng tiếc", ông Sơn bày tỏ.

Theo bà Trần Thị Năm, một hành khách đi từ Hà Nội về Thái Bình cho rằng, "với đặc thù công việc thì bản thân người lái xe đã phải có ý thức luôn làm chủ tay lái, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho hành khách. Tôi hy vọng với việc nâng mức xử phạt như Dự thảo sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông có trật tự hơn, thành hệ thống và giảm tối đa tai nạn giao thông".

Hoan nghênh việc tịch thu phương tiện đua xe

Đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện đua xe trái phép nêu trong Dự thảo, ông Trần Việt Hưng cho rằng, việc tịch thu phương tiện giúp cho người có ý định đua xe phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi hành động.

Theo sinh viên Nguyễn Thị Bích Hồng, nâng mức xử phạt đối với các hành vi cổ vũ đua xe trái phép góp phần hạn chế đua xe - Ảnh: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, ông Hưng không đồng tình với ý kiến tiêu hủy xe tịch thu vì việc làm này sẽ lãng phí của cải vật chất xã hội. "Bản thân phương tiện không gây hại mà chỉ có người sử dụng có vấn đề. Phương tiện này cũng là tài sản của quốc gia, bản chất của nó có ích cho xã hội, do đó không nên tiêu hủy. Ngược lại, nên đấu giá công bằng, tránh lãng phí", ông Hưng nói.

Cũng đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện nhưng bà Trần Khánh Ly lại cho rằng, việc tiêu hủy phương tiện bị tịch thu là hướng xử lý đảm bảo tránh phát sinh những tệ nạn đi kèm theo các phương tiện bị tịch thu như cò mồi mua lại, tuồn hàng ra ngoài hoặc những đường dây móc nối để lấy phương tiện ra cho các đối tượng khác kinh doanh hoặc sử dụng trái phép,... "Tiêu huỷ có làm tổn thất một phần tài sản nhưng đổi lại sẽ có sự bình yên và an toàn cho cuộc sống chung của người dân", bà Ly bày tỏ ý kiến.

Bên cạnh đó, việc nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi cổ vũ đua xe trái phép cũng được người dân hoan nghênh. Sinh viên Nguyễn Thị Bích Hồng, Học viện Ngoại giao nghĩ rằng, đa số những đối tượng đua xe đều còn trẻ và có tính thể hiện, sỹ diện cao, họ rất hào hứng khi có người cổ vũ, đó như là liều thuốc kích thích đối với họ thêm vi phạm luật giao thông đường bộ.

"Khi nâng cao mức xử phạt cao đối với đối tượng này, họ sẽ không tham gia vào việc cổ súy cho hành động đua xe, qua đó cũng sẽ góp một phần vào việc hạn chế đua xe", sinh viên Hồng chia sẻ.

Xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là cần thiết

"Hiện tượng các cửa hàng bày bán hàng hóa tràn lan ra vỉa hè, lòng đường vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng rất lớn đến giao thông", anh Nguyễn Văn Hoàng - Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Dự thảo, mức xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng áp dụng đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa… thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông.
Theo anh Nguyễn Văn Hoàng, mức xử phạt này là hợp lý và đủ sức răn đe, bởi hiện tượng các cửa hàng bày bán hàng hóa tràn lan ra vỉa hè, lòng đường vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, nhất là vào buổi sáng, khi mọi người đi làm.

“Mặc dù những đối tượng buôn bán nhỏ lẻ như vậy đều là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luật pháp cần sự nghiêm minh và công bằng, không thể vì lợi ích của một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến xã hội. Theo tôi, mức xử phạt như vậy là thỏa đáng”, anh Hoàng bày tỏ ý kiến.

Anh Nguyễn Quang Hưng: Cần có chế tài xử phạt nghiêm minh với các quán ăn trên vỉa hè - Ảnh: Chinhphu.vn

Khi được biết về việc sẽ xử phạt nghiêm các hành vi buôn bán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm cản trở giao thông, anh Nguyễn Đức Mạnh (Cầu Giấy) bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao, anh bức xúc cho biết thêm “gần nhà tôi, không hiểu vì sao mà mấy năm nay tồn tại một cái chợ cóc trên vỉa hè, chợ không chỉ họp vào các giờ tan tầm mà gần như suốt cả ngày. Điều này không những khiến vệ sinh môi
trường không đảm bảo và việc giao thông cũng rất khó khăn, nhiều khi bị lỡ việc vì ra khỏi nhà là đụng người mua, kẻ bán, hàng hóa để tràn cả trước cửa. Với việc họp chợ như vậy, phải xử phạt thật nghiêm thì mới đủ sức răn đe".

Chia sẻ quan điểm về việc xử phạt đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, bày bán hàng hóa, ông Nguyễn Quang Hưng, lái xe, cho biết: “Việc các hàng quán bán ngay vỉa hè cản trở giao thông rất lớn, có rất nhiều người bán hàng ăn để luôn những bếp than tổ ong bên trên có chảo mỡ hoặc nồi nước dùng sôi sùng sục ở mé đường mà không hề băn khoăn. Điều đó luôn là nguy cơ, là cái bẫy đối với những người qua lại."

Từng chứng kiến có trường hợp người tham gia giao thông vì đường chật chội, va phải thùng chứa nước rác của quán ăn mà gặp tai nạn, ông Hưng tin tưởng: "Những trường hợp đáng tiếc như vậy sẽ không xảy ra nữa nếu chúng ta có chế tài xử phạt nghiêm minh những người coi lòng đường, vỉa hè như bếp của nhà mình".


Nguồn: Chinhphu
.