Pháp luật
Những hành vi nào liên quan đến quản lý, sử dụng pháo bị nghiêm cấm?
08:43, 02/02/2021 (GMT+7)
Càng gần đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 thì số người bị tai nạn liên quan đến pháo ở nhiều địa phương cũng gia tăng. Thực trạng này cho thấy, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu hết các quy định trong quản lý và sử dụng pháo nổ…
Xung quanh vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh, thông tin thêm về một số nội dung trong Nghị định số 137/NĐ/2020 của Chính phủ qui định về quản lý, sử dụng pháo.
PV: Xin đồng chí cho biết người dân có thể được sử dụng và không được sử dụng các loại pháo nào? Và cách phân biệt một số loại pháo mà trong Nghị định 137 có hướng dẫn?
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ: Để tránh vi phạm pháp luật thì người dân cần phải hiểu rõ các khái niệm được qui định tại Điều 3 của Nghị định 137. Đó là qui định về pháo nổ là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc là công nghiệp, khi có tác động, kích thích cơ, điện, hóa thì sẽ gây ra tiếng nổ và có hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa được chế tạo sản xuất thủ công và công nghiệp khi có tác động kích thích cơ, điện, hóa gây ra hiệu ứng màu sắc trong không gian và đặc biệt không gây ra tiếng nổ.
Đối với người dân khi sử dụng các loại pháo thì chủ yếu là sử dụng pháo hoa và không được sử dụng các loại pháo có tiếng nổ. Người dân cần tìm hiểu kỹ các khái niệm pháo nổ, pháo hoa, pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.
PV: Xin đồng chí cho biết trường hợp nào được sử dụng pháo hoa, pháo nổ?
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ. |
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ: Trường hợp được sử dụng pháo hoa đó là tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, hội nghị, đám cưới và các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật.
Đối với pháo nổ, được sử dụng trong các trường hợp Tết cổ truyền, Ngày Quốc khánh, ngày chiến thắng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật thể thao và các trường hợp khác được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Nghị định qui định 9 hành vi liên quan đến quản lý sử dụng pháo bị nghiêm cấm. Đó là những hành vi gì, thưa đồng chí?
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ: Tại Điều 5 của Nghị định 137, qui định 9 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm:
1. Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ;
2. Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo hoa, thuốc pháo;
3. Cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam;
4. Cấm lạm dụng, lợi dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
5. Cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép;
6. Nghiêm cấm chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo;
7. Cấm giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện;
8. Cấm hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất thuốc pháo;
9. Cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo.
PV: Đồng chí cho biết số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng pháo và dịp Tết Nguyên đán sắp đến?
Công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An: Triệt xóa đường dây mua bán pháo nổ từ Lào về Nghệ An, thu giữ 2 tạ pháo nổ |
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ: Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần phải tìm hiểu và nghiên cứu kỹ loại pháo nào mình được sử dụng, loại pháo nào mình không được sử dụng.
Theo Nghị định 137 nghiêm cấm người dân sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ. Người dân chỉ được sử dụng pháo hoa và phải mua ở các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cho phép kinh doanh và được cơ quan Công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Nguồn: CAND