Pháp luật
Cảnh báo tình trạng ngộ độc methanol trong rượu
09:46, 14/12/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Có thể nói, rượu bia là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, Tết, khi có sự kiện mà mọi người được tụ tập, nhất là ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những tác hại khôn lường do nồng độ methanol trong sản phẩm này mang lại. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các sản phẩm rượu không đạt chất lượng, gây nguy hại đến sức khỏe con người.
Việc sử dụng rượu bia đã và đang gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe con người (Ảnh minh họa) |
Điển hình, ngày 3/11/2020, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nam (32 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol từ tuyến dưới chuyển lên. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, glasgow 7 điểm, huyết áp tụt. Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân hiện có tổn thương não rất nặng. Theo lời kể của gia đình, 3 ngày trước đó bệnh nhân mua rượu ở một cửa hàng tạp hóa, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ để về uống cùng 3 người bạn khác. Sau khi uống 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, nhìn mờ, mất ý thức và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. Qua xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân đã uống cho thấy, hàm lượng methanol là 20,21%, trong khi đó hàm lượng methanol chỉ có 11,42%. Riêng 3 người cùng uống với bệnh nhân cũng có biểu hiện ngộ độc. Cũng theo bác sĩ Nguyên, chỉ trong tháng 10/2020, Trung tâm đã tiếp nhận các bệnh nhân đồng thời tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cồn công nghiệp methanol từ các bệnh viện khác gửi tới và đã xác nhận 18 trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Trong số này, phần lớn các trường hợp đều nặng và có nhiều người đã tử vong.
Thực tế cho thấy, việc người dân tự ý sử dụng các sản phẩm rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ trước đến nay vẫn thường xuyên xảy ra. Và để hạn chế tình trạng nói trên, tránh các trường hợp ngộ độc đáng tiếc, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo khi lựa chọn các sản phẩm rượu, người tiêu dùng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị... Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm rượu và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời hoàn thiện các văn bản quy định để quản lý tận gốc đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu do người dân tự nấu, tự chế biến theo hướng thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền các cấp trong tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.
Trên thực tế, mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tuy nhiên việc quản lý rượu thủ công hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Vì thế bên cạnh công tác thanh, kiểm tra và tăng chế tài xử phạt, cần hướng dẫn người dân về quy trình công nghệ tốt và phù hợp để sản xuất rượu, chủ động sản xuất thiết bị dụng cụ dùng nấu rượu để có thể giảm hàm lượng methanol xuống dưới mức cho phép. Mặt khác, yêu cầu 100% cơ sở cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phấn đấu 100% cơ sở đều được kiểm tra.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với lực lượng chức năng liên quan tiến hành kiểm tra rà soát, thu hồi các sản phẩm nhãn hiệu rượu nếp, rượu nếp - hầm rượu Việt của cơ sở sản xuất rượu đất lúa nếu có và các sản phẩm rượu được pha chế từ cồn công nghiệp methanol, sản phẩm rượu có nồng độ methanol vượt mức cho phép, không để các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình và phối hợp ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là các hành vi sản xuất rượu thủ công, sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha chế rượu, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm liên quan đến rượu.
Đặc biệt, khi xảy ra các vụ ngộ độc rượu trên địa bàn quản lý cần nhanh chóng báo cáo Lãnh đạo Công an tỉnh; đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân, làm rõ để xử lý. Riêng lực lượng Cảnh sát Kinh tế và Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi buôn lậu rượu, kinh doanh rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vận chuyển rượu không có thủ tục giấy tờ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa và các địa bàn, khu vực trọng điểm.
Ngọc Anh