Pháp luật

Thay đổi tích cực hành vi từ khi có Nghị định 100/NĐ-CP

05:19, 11/07/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-6 tháng đầu năm 2020, thông qua việc tăng cường triển khai Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt nên ATGT trên địa bàn toàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cũng được nâng cao.

Cán bộ Trạm CSGT Diễn Châu tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trường hợp điều khiển phương tiện giao thông nghi có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức so với quy định
Cán bộ Trạm CSGT Diễn Châu tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trường hợp điều khiển phương tiện giao thông nghi có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức so với quy định
Cùng với việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, ATGT đường bộ và đường sắt cũng có hiệu lực cùng thời điểm. Trong đó, quy định mới về tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông có thể lên đến 40 triệu đồng. Cùng với lực lượng CSGT trong cả nước, để triển khai trên địa bàn, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ động tham mưu UBND tỉnh nhiều chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. 
 
Công an tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 100/2019/NĐ-CP; tập huấn Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT cho hơn 650 lãnh đạo, cán bộ cốt cán, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT của Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) và Công an các huyện, thành, thị. Cùng với đó, đã xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều kế hoạch, chuyên đề về ma túy, nồng độ cồn hiệu quả, thiết thực theo từng lĩnh vực, địa bàn. Bằng việc triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm đối với người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh từ khi triển khai thi hành Nghị định số 100 đã có chuyển biến rất tích cực, rõ nét. 
 
Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt, số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến nồng độ cồn giảm thiểu, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển sử dụng rượu, bia đã giảm trên cả ba tiêu chí; qua đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của một bộ phận lớn cán bộ, nhân dân. Từ những chuyển biến tích cực đó cho thấy những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ là phù hợp với thực tiễn, đã từng bước thay đổi thói quen và dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, Phòng CSGT Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.422 trường hợp sử dụng bia, rượu trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Trong đó, riêng về vi phạm nồng độ cồn, tại Trạm CSGT Diễn Châu là 74 trường hợp, Đội CSGT 1/7 là 83 trường hợp và Đội 1/48 là 50 trường hợp. Có tất cả 257 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này đã được 6 đội nghiệp vụ của Phòng CSGT Công an tỉnh xử lý. Ngoài ra, thông qua tuần tra, kiểm soát cũng đã phát hiện 93 trường hợp tài xế liên quan đến ma túy.
 
Để có được những kết quả đó, Công an tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gắn với tuyên truyền Nghị định số 100 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tập trung nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tính phòng ngừa, cảnh báo về các hành vi vi phạm pháp luật, mức xử phạt tại Nghị định số 100.
Cán bộ Trạm Cảnh sát Giao thông Diễn Châu kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông
Cán bộ Trạm Cảnh sát Giao thông Diễn Châu kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông
Tổ chức cuộc vận động sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện khẩu hiệu "Đã uống rượu, bia - không lái xe", đề cao tính nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hành động. Qua đó, đã tổ chức 150 buổi tuyên truyền lưu động, 250 cuộc tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hoá trong các đơn vị, trường học, doanh nghiệp vận tải; tổ chức cho học sinh, sinh viên, cụm dân cư, tổ dân phố tiến hành ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; in ấn, cấp phát trên 150.000 tờ rơi, in treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền thực hiện các quy định tại Nghị định số 100.
 
Song song với việc tuyên truyền ngoài xã hội, Công an tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động trong nội bộ đơn vị về hạn chế sử dụng rượu, bia; thường xuyên tổ chức quán triệt các quy định mới của pháp luật liên quan đến phòng, chống rượu bia và Nghị định số 100 thông qua việc lồng ghép tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu, sinh hoạt chính trị tư tưởng, giao ban đơn vị, góp phần nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ. Quá trình thực thi pháp luật, lực lượng CSGT Công an tỉnh nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ và nhân dân; việc áp dụng đúng các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn góp phần răn đe, giáo dục để người dân thay đổi thói quen khi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông có nguyên nhân việc lạm dụng đồ uống có cồn. 
 
Việc áp dụng đúng quy định về xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn theo Nghị định số 100 có ý nghĩa rất tích cực trong răn đe, phòng ngừa vi phạm; góp phần làm giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông trong các tháng đầu năm 2020. Bằng việc áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc, số vụ việc vi phạm về nồng độ cồn giảm đáng kể, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức của người tham gia giao thông. Song song với đó là số vụ tai nạn giao thông trên toàn tỉnh giảm đáng kể trên cả 3 tiêu chí (giảm số vụ, giảm về số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ); đặc biệt, không có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên quan đến rượu bia; từ đó, dần hình thành ý thức thượng tôn pháp luật trong quá trình tham gia giao thông.
 
Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, đã tạo ra sự thay đổi tích cực, không chỉ là những biến chuyển đơn thuần về số liệu, quan trọng hơn là ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần tạo ra sự đồng thuận mạnh mẽ trong xã hội và hệ thống chính trị.

NGUYỄN CÔNG LĨNH

Các tin khác