Pháp luật
Tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản
08:27, 17/04/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện rõ ở nhận thức của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt; công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) khác về môi trường đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần làm giảm hậu quả do các sự cố về môi trường gây ra. Tuy nhiên, tình hình tội phạm về môi trường nói riêng và VPPL khác về môi trường nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Lãnh đạo Công an tỉnh, thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi VPPL trong lĩnh vực khoáng sản.
Lực lượng chức năng tiến hành hạ cẩu xử lý trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản |
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt 251 vụ, 259 đối tượng vi phạm; thu giữ hàng nghìn m3 cát, sỏi, khoáng sản các loại. Mặc dù vậy, qua theo dõi, tình hình VPPL liên quan lĩnh vực này vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, gây mất ANTT trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép, nhất là trên các tuyến sông; một số tổ chức, cá nhân dù đã bị kiểm tra, xử lý nhiều lần nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật để tái phạm và có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng…
Trước thực trạng nói trên, để tăng cường đấu tranh phòng, chống các hành vi VPPL trong lĩnh vực khoáng sản; đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách pháp luật mới về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, Lãnh đạo Công an tỉnh đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/20120 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020 và Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2020. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành chức năng tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản.
Đặc biệt, Công an các huyện, thành, thị tích cực, quyết liệt tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo ban, ngành liên quan, UBND cấp xã tiến hành rà soát, xác minh, phát hiện các bến, bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép; bến, bãi có yếu tố sử dụng đất được cơ quan Nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích để xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định; đồng thời, chỉ đạo thu hồi đất, giải tỏa, yêu cầu tự tháo dỡ, chấm dứt hoạt động; nếu không chấp hành thì phải tiến hành cưỡng chế, cắt điện, không để cho các đối tượng có điều kiện tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, căn cứ thực trạng, tình hình thực tế của địa phương để chủ động tham mưu UBND cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực khoáng sản, không để tình hình diễn biến phức tạp trên địa bàn quản lý.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi |
Với vai trò chủ công, Phòng Cảnh sát Môi trường chủ động tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh để tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành đối với công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Nơi nào để vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận sẽ đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn.
Bên cạnh đó, cùng với Công an các huyện, thành, thị tổ chức kiểm tra, ra soát, đấu tranh, xử lý quyết liệt, dứt điểm các trường hợp hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép; các trường hợp có phép nhưng không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; các trường hợp tiếp tay, bảo kê cho các hành vi vi phạm về khoáng sản, các hành vi vi phạm mới được quy định trong Nghị định 23 và Nghị định 36 (nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông có giấy phép nhưng sau 17 giờ đến trước 7 giờ). Quá trình tham mưu, xử lý vi phạm phải bảo đảm nghiêm minh, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu công cụ, phương tiện dùng để vi phạm, tước quyền sử dụng chứng chỉ, giấy phép hành nghề, buộc khắc phục hậu quả theo quy định để răn đe, phòng ngừa tội phạm và VPPL.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, một giải pháp đóng vai trò quan trọng đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến ngành, nghề, hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản, nhất là các chính sách pháp luật mới, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, thường xuyên phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương đăng tải nhiều thông tin tuyên truyền về chính sách pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản; kết quả đấu tranh, xử lý của lực lương chức năng và chế tài xử phạt để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm và VPPL.
Thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống, Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chú trọng các quy định làm căn cứ pháp lý thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản tại Nghị định 23 như: Quy định về cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp; các yêu cầu về bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, lòng hồ; quy định về điều kiện vận chuyển, kinh doanh, hoạt động khai thác cát, sỏi trong lòng sông, lòng hồ; quy định về nội dung ghi trên giấy phép, thời gian được phép hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông là từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản tại Nghị định 36 như: Tập kết, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cát, sỏi lòng sông; nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về các hành vi khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi trái phép; thẩm quyền xử lý của lực lượng Công an nhân dân đối với các hành vi vi phạm; về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép… |
Ngọc Anh