Pháp luật
'Cát tặc' vẫn lộng hành
15:29, 09/04/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương, vấn nạn “cát tặc” vẫn tiếp diễn. Bất luận cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát và xử lý, song vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn lén lút ăn cắp tài nguyên khoáng sản để thu lợi bất chính.
Một bến cát “chui”, 3 lần xử lý vẫn hoạt động
Lưu vực sông Lam, đoạn giáp ranh giữa huyện Đô Lương và Anh Sơn, "cát tặc" hoạt động rầm rộ suốt nhiều năm qua |
Sáng 2/4, Công an huyện Đô Lương phối hợp với Phòng Cảnh sát Cơ Động, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang đối với bà Nguyễn Thị Huyền (SN 1977), quản lý Công ty TNHH cát, sỏi Thanh Huyền tại xóm 5, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương khi đang có hành vi khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương và xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại bến thủy nội địa do bà Huyền làm chủ, đang có hoạt động vận chuyển cát, sỏi từ các tàu khai thác cát, sỏi trái phép trên Sông Lam. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 1 máy xúc, 1 ôtô, đồng thời, phát hiện bắt giữ trên lưu vực sông 3 thuyền vỏ thép dạng tự chế gắn máy nổ và hệ thống guồng bơm ống hút để hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm, đình chỉ hoạt động. Điều đáng nói, đây là bến thủy nội địa đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt hành chính nhiều lần nhưng nay vẫn tiếp tục tái phạm.
Cụ thể, vào ngày 6/3, từ phản ánh của người dân về việc thời gian gần đây một số tàu cát không được phép nhưng vẫn ngang nhiên khai thác cát trên sông Lam, đoạn giáp ranh giữa hai xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương và xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn nên các cơ quan chức năng đã vào cuộc tiến hành kiểm tra. Tại đây, Công an huyện Đô Lương đã bắt quả tang tàu của bà Nguyễn Thị Nga trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương đang khai thác cát trái phép. Qua kiểm tra, chủ tàu không xuất trình được giấy phép và giấy đăng ký hoạt động, Công an huyện Đô Lương đã lập biên bản tạm giữ tàu khai thác cát và 9 m3 cát vừa khai thác. Qua đấu tranh khai thác, bà Nga cho biết, khai thác trái cát phép để bán cho Công ty TNHH cát, sỏi Thanh Huyền trên địa bàn xã. Đây là địa điểm nhiều lần bị xử phạt vi phạm hoạt động trên lĩnh vực bến thủy nội địa nhưng không chịu chấp hành xử phạt. Sau khi củng cố hồ sơ, Công an huyện Đô Lương và các ngành chức năng đã cưỡng chế chấm dứt hoạt động bến thủy nội địa đối với Công ty TNHH Thanh Huyền; đồng thời tiến hành cưỡng chế tháo dỡ, tịch thu các phương tiện vi phạm và trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu.
Mặc dù bị xử lý như vậy nhưng lợi dụng thời gian gần đây, lực lượng chức năng đang gồng mình chống dịch COVID-19, bà Nguyễn Thị Huyền lại lén lút hoạt động. Ngày 26/3, cũng tại bến cát trái phép của bà Huyền, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Đô Lương tiến hành kiểm tra, bắt quả tang và lập biên bản đình chỉ hoạt động, tháo dỡ hệ thống cần cẩu điện dạng tự chế và 1 hệ thống guồng bơm máy hút cát, sạn đối với điểm mỏ này. Cùng ngày, tại lưu vực này trên sông Lam, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và đình chỉ hoạt động điểm khai thác cát, sạn trái phép của ông Nguyễn Văn Vỹ (SN 1974) ở xóm 2, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn với các hành vi tương tự. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ trên sông Lam 6 thuyền vỏ thép dạng tự chế, gắn máy nổ và hệ thống guồng bơm, ống hút đang hoạt động khai thác cát, sạn trái phép. Trong đó có 5 thuyền thuộc xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn và 1 thuyền thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương.
“Cát tặc” vẫn nhức nhối
Ông Trần Hoàng Anh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đô Lương cho rằng, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện Đô Lương thời gian gần đây đã được siết chặt, lập lại trật tự, ngoại trừ điểm tập kết của Công ty TNHH cát, sỏi Thanh Huyền. Nguyên nhân cá nhân này tái phạm nhiều lần, là do vị trí giáp ranh, phía thượng nguồn thuộc địa phận xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn hoạt động khai thác cát, sỏi chui cũng diễn ra rầm rộ, thậm chí xe chở vật liệu chạy qua điểm tập kết của bà Huyền mà cơ quan chức năng huyện Anh Sơn không mạnh tay xử lý nên bà này có tư tưởng “tỵ nạnh”, lén lút khai thác khi thấy xã bên cạnh buông lỏng quản lý.
Cũng trên địa phận sông Lam, đoạn qua huyện Anh Sơn, khu vực giáp ranh giữa thị trấn Anh Sơn và xã Hội Sơn, từ nhiều tháng nay HTX Thắng Lợi ngang nhiên lập bến cát, hoạt động khai thác cát, sỏi rầm rộ giữa thanh thiên bạch nhật do sự buông lỏng quản lý từ các cấp chính quyền. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Anh Sơn cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra nhưng doanh nghiệp vẫn vi phạm. Lý do vì vị trí này là khu vực giáp ranh với xã Hội Sơn nên khó kiểm soát. Trong khi đó, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Anh Sơn Đặng Duy Đô thì cho rằng, hoạt động khai thác cát, sỏi của HTX Thắng Lợi nói riêng và nạn “cát tặc” trên địa bàn khó xử lý dứt điểm, một phần là do chính quyền địa phương nhiều nơi thiếu quyết liệt, phần nữa lực lượng tài nguyên môi trường huyện mỏng về quân số, không phải lúc nào cũng có mặt tại cơ sở để nắm và xử lý được.
Tại địa bàn huyện Nam Đàn, khu vực Bãi Lạch thuộc xã Nam Thượng, giáp ranh với huyện Thanh Chương, mặc dù từ ngày 31/8/2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND, nhưng đến tháng 12/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra thực tế. Đến tháng 8/2019, khu vực này mới được các ban, ngành thống nhất là đủ điều kiện để cấp phép khai thác cát, sỏi. Trong suốt thời gian từ đó đến nay, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép khiến người dân xã Nam Thượng rất bức xúc. Tại huyện Hưng Nguyên, bến cát không phép của Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại Yên Bình, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục thuê đất và chưa được cấp phép bến thủy nội địa nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động suốt thời gian qua trên địa bàn xã Hưng Lĩnh.
Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã khởi tố 3 vụ với 3 bị can về hành vi khai thác cát, sỏi trái phép. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phê bình Chủ tịch UBND các huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên, cùng Chủ tịch UBND 33 xã liên quan đến trách nhiệm trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Mặc dù cơ quan chức năng đã kiên quyết, mạnh tay xử lý, nhưng vì lợi nhuận, các tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp pháp luật, lén lút hoạt động ngày đêm. Đại diện lãnh đạo Phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong những năm gần đây tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi hoạt động ngày càng tinh vi và manh động. Các đối tượng khai thác cát thay đổi thời gian hoạt động, khai thác vào buổi trưa, đêm tối hoặc thời điểm rạng sáng để đối phó. Khi phát hiện đoàn kiểm tra, các đối tượng này tìm cách bỏ chạy, không cho lực lượng chức năng tiếp cận tàu. Trong khi đối với các bến bãi thực hiện thu mua cát, sỏi khai thác trái phép, chủ doanh nghiệp đã mua hóa đơn đầu vào của các doanh nghiệp được phép khai thác cát, sỏi để hợp thức hóa.
Trước đó, để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, rà soát, đánh giá thực hiện thăm dò, khai thác bãi cát lòng sông, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các bến bãi, tập kết cát, sỏi, quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng thông thường của địa phương, bảo đảm phù hợp, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi xây dựng tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi xây dựng trái phép. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.
Một bãi tập kết cát “chui” trên địa bàn xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương |
Chỉ đạo là vậy, song việc xúc tiến cấp phép hoạt động cho các bến, bãi và điểm mỏ tính đến thời điểm này, trên địa bàn Nghệ An vẫn còn quá chậm. Việc này cùng với sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương, thậm chí một số nơi người đứng đầu còn có dấu hiệu cả nể, bao che dẫn đến vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép vẫn lộng hành như hiện nay.
THIỆN THÀNH