Thứ Tư, 12/02/2020, 14:41 [GMT+7]

Bát nháo tư vấn du học… chui!

(Congannghean.vn)-Mặc dù không được cấp phép nhưng vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn ngang nhiên tổ chức các hoạt động tư vấn du học, đưa người ra nước ngoài trái phép để thu lợi bất chính. Hoạt động này đã được cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. 

Công ty CP du học quốc tế Jasa, một trong 22 đơn vị tư vấn du học trên địa bàn TP Vinh vừa bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ                 tư vấn du học - Ảnh: THIỆN THÀNH
Công ty CP du học quốc tế Jasa, một trong 22 đơn vị tư vấn du học trên địa bàn TP Vinh vừa bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học 
Mặc dù không được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép hay cấp phép, bản thân cũng không thuộc bất kỳ trung tâm tư vấn du học nào nhưng thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Tuyết trú tại địa chỉ 209A, đường Đặng Thai Mai, xã Hưng Đông (TP Vinh) đã sử dụng địa chỉ này để tổ chức tư vấn, nhận hồ sơ và nhận tiền để đưa người khác ra nước ngoài bằng hình thức du học. Từ lời giới thiệu của người quen, anh Nguyễn Thế D. (SN 1999) trú tại huyện Nghi Lộc đã gặp bà Tuyết và được người này cam kết sẽ làm cho anh D. được Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cấp visa, đi du học ở Hàn Quốc với giá tiền 11.500 USD. Ngày 4/3/2019, tại nhà bà Tuyết, anh D. đã nộp cho bà này số tiền 5.900 USD và hơn 25 triệu đồng kèm theo hồ sơ cá nhân. 
 
Tuy nhiên, một thời gian sau, bà Tuyết thông báo cho anh D. rằng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã từ chối, không cấp visa du học cho anh. Không xuất cảnh được, khi anh D. có nguyện vọng đòi lại số tiền đã đưa thì bà này tìm mọi cách để từ chối. Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, tại số nhà 209A, Đặng Thai Mai, TP Vinh không có đơn vị du học nào đăng ký hoạt động. Bà Tuyết cũng không có tên trong bất kỳ đơn vị hoạt động du học nào mà Sở này đã cấp phép. Trước đó, tháng 8/2018, em Phan Thị H. (SN 2000) trú tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đến Công ty CP Hợp tác quốc tế Jasa, địa chỉ tại số 45, Tân Phú, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh ký hợp đồng hướng dẫn du học, mặc dù chưa có người bảo lãnh tài chính nhưng đơn vị này vẫn thu của em H. 15 triệu “phí xử lý hồ sơ”. Sau khi học được 3 buổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn em này xin rút hồ sơ, phía công ty chỉ đồng ý thanh lý hợp đồng, trả lại giấy tờ gốc nhưng không trả lại số tiền 15 triệu đồng, phía Công ty cũng từ chối cung cấp 1 bản thanh lý hợp đồng cho người lao động. 
Tại một số đơn vị du học đã bị rút phép, hoạt động tư vấn du học  vẫn diễn ra dưới tên của công ty khác
Tại một số đơn vị du học đã bị rút phép, hoạt động tư vấn du học vẫn diễn ra dưới tên của công ty khác
Số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An cho thấy, đến tháng 10/2019, cả tỉnh có 74 Trung tâm tư vấn du học được cấp phép đang hoạt động, tuy nhiên qua tìm hiểu của phóng viên, có ít nhất 82 trung tâm đang hoạt động trong lĩnh vực này, đồng nghĩa với việc có nhiều đơn vị không có phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Ngày 25/11/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn 8350/UBND.VX về việc kiểm tra hoạt động của các công ty tư vấn du học, XKLĐ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Công văn này, Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT, Công an tỉnh đã kiểm tra hoạt động của một số đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn TP Vinh. 
 
Qua đó, phát hiện nhiều tồn tại, thậm chí sai phạm. Trong số này, có 16 đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học, chưa đủ điều kiện nhưng vẫn tổ chức hoạt động trên lĩnh vực này. 8 đơn vị có đội ngũ nhân viên chưa đủ điều kiện theo quy định hiện hành; 4 đơn vị hoạt động không đúng với địa chỉ đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tạm dừng hoạt động không báo cáo cơ quan quản lý. Có 14 đơn vị treo biển quảng cáo sai chức năng cấp phép. Đoàn liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng giấy phép; yêu cầu chấm dứt hoạt động các cơ sở không có giấy phép. Ngoài ra, dịp này Sở GD&ĐT cũng đã thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dịch vụ tư vấn du học của 22 đơn vị.
 
Trước đó, đầu năm 2019, Công an tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý 5 đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ và các kỹ năng cho học sinh, bao gồm: Văn phòng đại diện Công ty Thanh Giang Conincom.JSC; Trường Trung cấp Tài chính Hà Nội; Công ty du học JPSC Việt Nam - chi nhánh Nghệ An; Công ty TNHH tư vấn lao động Hàn Nhật toàn quốc và Công ty CP và cơ khí thương mại Vạn Thịnh. Ngoài ra, đại diện Sở Ngoại vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, có hiện tượng một số công ty du học làm môi giới, nhận tiền, thậm chí đưa người sang nước ngoài lao động, không thuộc đối tượng du học.
Phiếu thu du học tự lập,  không đúng quy cách  theo quy định
Phiếu thu du học tự lập, không đúng quy cách theo quy định
 
Thống kê cho thấy, từ năm 2015 - 2018, đã có 35 đơn vị bị thu hồi giấy phép vì tự nguyện giải thể và không đủ điều kiện hoạt động hoặc có sai phạm trong quá trình hoạt động, bị các cơ quan chức năng đình chỉ, rút giấy phép. Một số tồn tại, sai phạm từ các đơn vị tư vấn du học được rút ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học do Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức vào năm 2019 là các đơn vị tư vấn du học đã không báo cáo Sở GD&ĐT khi thay đổi địa điểm, số điện thoại và địa chỉ email; chưa đăng ký và Sở GD&ĐT chưa cấp phép vẫn hoạt động; tổ chức bộ máy không đúng quy định của một chi nhánh; tư vấn không trung thực, đưa ra các thông tin không rõ ràng về các khoản tài chính, mục đích của đi du học, thu nhập, thời gian làm thêm; các đơn vị chưa nắm được quy định, do đó chưa thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh; chưa thực hiện đôn đốc học sinh do mình quản lý, cử, gửi ra nước ngoài học tập thực hiện việc đăng ký thông tin lưu học sinh vào hệ thống cơ sở dữ liệu; nhiều đơn vị không lưu hồ sơ pháp lý, hợp đồng tại đơn vị.
 
Ngoài ra, xảy ra tình trạng hợp đồng giữa 2 bên (bên tư vấn du học và bên đi du học) không rõ ràng, chặt chẽ dẫn đến quyền lợi của du học sinh không được đảm bảo, dẫn đến tranh chấp hợp đồng; thu nhiều khoản phí khác nhau, không thống nhất giữa các đơn vị tư vấn du học; đặt ra một số khoản thu, giấy tờ trái quy định như ký quỹ 200 triệu đồng, thu giấy cấp quyền sử dụng đất để chống bỏ trốn; Sở GD&ĐT chưa niêm yết công khai danh tính, số điện thoại của người đứng đầu đơn vị, địa chỉ giao dịch, ngày được cấp phép. Sở GD&ĐT cũng chưa phối hợp được với các cơ quan, ban, ngành liên quan để kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị tư vấn du học. Một số đơn vị có nhiều sai phạm trong các lĩnh vực nói trên có thể kể đến như Công ty CP giáo dục Thiên Bảo, Công ty TNHH GDĐT quốc tế Đại Tây Dương, Chi nhánh Công ty CP công nghệ G-GATE, Công ty CP ngoại ngữ du học Seoul…
.

THIỆN THÀNH

.