Pháp luật
Thách thức với khủng bố trên không gian mạng
09:27, 16/10/2019 (GMT+7)
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phát động một cuộc tấn công truyền thông mới trên toàn thế giới, cho phép tổ chức này phản bác quan điểm của thế giới khi cho rằng họ đã bị đánh bại sau khi vương quốc Hồi giáo (caliphate) của họ bị sụp đổ.
IS muốn tạo ra một không gian chiến đấu mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số mà ở đó, một câu chuyện ảo về chiến thắng có thể biến thành một thành công trong thế giới thực nếu không bị ngăn chặn.
Vũ khí hóa Internet
Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan trên toàn cầu chắc chắn sẽ vẫn còn tồn tại, đặc biệt trong bối cảnh IS đang trải qua giai đoạn tái thích nghi và phi tập trung hóa. Mặc dù đã để mất nhiều vùng lãnh thổ, song IS vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn thế giới. IS hiện đang bước vào giai đoạn mới của quá trình lan rộng ra toàn cầu.
Bất chấp việc chính phủ và các hãng công nghệ hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm chống lại IS trong không gian mạng, song sự hiện diện ảo của IS sẽ vẫn tồn tại và tăng lên, để bù đắp lại sự hiện diện và hoạt động ngày càng bị thu hẹp lại trong không gian thực. Một IS phi tập trung sẽ là mối đe dọa lớn hơn.
Lực lượng an ninh của các nước EU triệt phá một cơ sở khủng bố Ảnh: Euronews. |
Cuộc tấn công truyền thông này như các chuyên gia chỉ ra, IS đã vũ khí hóa Internet, tạo ra một không gian chiến đấu kỹ thuật số mà trong đó, một câu chuyện ảo về chiến thắng có thể biến thành một thành công trong thế giới thực.
Nước Mỹ hay bất cứ quốc gia nào cần phải hiểu cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố thánh chiến khác luôn phải cảnh giác cao độ, bởi sẽ không tồn tại “chiến thắng” một lần và mãi mãi. Nhìn từ những bài học được rút ra thấy rõ, cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố vì thế phải diễn ra ở nhiều đấu trường khác nhau, trong đó có không gian mạng.
Bộ Chỉ huy không gian mạng của Mỹ hiểu rõ điều này và đang đi trước một bước khi xây dựng một bộ chỉ huy hoạt động chiến tranh thông tin vào năm 2028, với mục tiêu bao gồm cả không gian mạng, chiến tranh điện tử và hoạt động thông tin.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tình báo Mỹ, tới năm 2028 đang cách hiện tại gần một thập kỷ, và IS sẽ không chờ. Hơn nữa, cuộc chiến này quá quan trọng.
Do đó, Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ nên đề xuất một mô hình hợp tác tương tự như Lữ đoàn 77 của Quân đội Anh, liên kết các cơ quan chính phủ dưới một “chiếc ô” để tiến hành cuộc chiến thông tin. Đáng tiếc, chính quyền Tổng thống Trump đã "rút ruột" Trung tâm Phối hợp toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao Mỹ, ban đầu là nhằm để chống lại các thông điệp tuyên truyền khủng bố và hiện được giao nhiệm vụ chống lại tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang lan rộng trên toàn cầu.
Nước Mỹ hiểu rằng, các quốc gia khác cũng đang chiến đấu với IS, vì thế phải đảm bảo rằng họ có khả năng tương tự và có thể hợp tác với các đồng minh cả về ngoại giao và quân sự. Cuộc chiến thông tin là cuộc cạnh tranh giữa những cách nhìn và cách hiểu khác nhau về thế giới, và chúng đòi hỏi những khả năng và chuyên môn mới vượt ra ngoài khía cạnh truyền thông truyền thống.
Hiện các phương tiện truyền thông quốc gia và toàn cầu phải đối mặt với một tình thế khó khăn. Một mặt, các thông cáo báo chí và các cuộc phỏng vấn của IS đang lan tràn ở nhiều mạng xã hội, gây tác động trực tiếp tới hàng tỷ người trên trái đất.
Những thành phần cực đoan ở các quốc gia dễ dàng tiếp cận với thông tin về các nhóm khủng bố khi thấy ở một mức độ nào đó là sự hấp dẫn của tổ chức này thông qua cách tuyên truyền mang tính kích động một cách bài bản.
Mặt khác, sự suy giảm đáng kể trong phạm vi truyền thông về IS của các nước trong vài năm qua đã củng cố nhận thức của công chúng rằng IS không còn là mối đe dọa nữa.
Việc tuyên truyền để tạo nên một làn sóng tiếp nhận tư tưởng cực đoan là nguồn sống của tất cả các nhóm khủng bố; họ sử dụng các cuộc tấn công để nâng cao nhận thức về sứ mệnh của họ và để thu hút sự hỗ trợ của người bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, các công nghệ kỹ thuật số cho phép IS kiểm soát các phần của không gian ảo mà nếu như ở thế giới thực, IS khó có thể làm được như vậy, và hơn nữa, nó còn cho phép chúng tập hợp lại và tìm ra những cách thức mới để thực hiện các cuộc tấn công bạo lực.
Do đó, sự hồi sinh truyền thông gần đây của IS là tiền thân cho sự hồi sinh thực sự của riêng IS và nhiều nhóm khủng bố nguy hiểm khác. Đó là lý do tại sao cuộc chiến thông tin chống lại IS không bao giờ được phép dừng lại.
Thách thức chưa bao giờ ngừng lại
Tiến sĩ Gil-Ad Ariely và Tiến sỹ Michael Barak, chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chống khủng bố (ICT), Đại học IDC Herzliya, đã khẳng định khủng bố đang và sẽ hiện hữu lâu dài và chúng ta cần phải duy trì các nỗ lực để đối phó với khủng bố.
Theo hai chuyên gia này, chỉ riêng tại Trung Đông, những thay đổi chính trị lớn diễn ra từ năm 2011 đến nay, trong đó khu vực này ít ổn định hơn, một số vùng rơi vào tình trạng vô chính phủ, tạo ra các khoảng trống và mảnh đất màu mỡ cho khủng bố ẩn trú và mở rộng hoạt động. Ngoài ra, do tình trạng quản lý yếu kém của nhiều chính phủ đối với nhiều phần lãnh thổ nên khủng bố tại Trung Đông đã có cơ hội phát triển ra ngoài khu vực. Có thể nói rằng hiện nay không quốc gia nào có thể tự tin khẳng định miễn nhiễm với các hoạt động của khủng bố.
Sự suy yếu của IS do các nỗ lực của liên minh chống khủng bố do Mỹ, Nga và một số nước khác không đồng nghĩa với việc IS hoàn toàn bị triệt tiêu. IS sau khi không còn lãnh thổ kiểm soát đã phải phân tán, tránh các cuộc tấn công của liên quân quốc tế chống khủng bố, nhưng chúng vẫn đang tồn tại và có thể tái tổ chức.
Tàn dư IS đang chờ đợi cơ hội để trở lại. Đáng lưu ý là các tổ chức chi nhánh của IS trên thế giới có khả năng hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào IS tại Trung Đông.
Hiện nay, đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa IS và tổ chức khủng bố Al-Qaeda và một số tổ chức khác tại nhiều nơi như ở Afghanistan, Trung Đông và châu Phi... IS bị đánh bại về mặt quân sự tại Trung Đông, nhưng các cuộc tấn công khủng bố thời gian qua, như tại Sri Lanka, cho thấy rằng IS chưa biến mất.
Hiện tại, IS có 13 chi nhánh chính thức. IS từng tuyên bố tổ chức nhà nước tự xưng của chúng có nhiều tỉnh và mỗi tỉnh như vậy có một lãnh đạo IS đứng đầu. Tại mỗi tỉnh như vậy lại có các nhóm nhỏ hoạt động và nhiều nhóm trong số này hiện chưa bị tiêu diệt, ví dụ một số nhóm tại Azerbaijan hoặc một số khu vực tại châu Phi.
Nhìn từ nguyên nhân trực tiếp thấy rõ, khi còn có những người dân trong xã hội không hài lòng với chính quyền trung ương vì đói nghèo, thiếu thốn như thiếu nước, thiếu điện, thiếu giáo dục vì sự sao nhãng của chính quyền, chừng đó vẫn còn những người gia nhập các tổ chức khủng bố. Trung Đông, Syria cũng đang là điểm nóng của IS mặc dù chúng không còn lãnh thổ kiểm soát.
IS vẫn đang tồn tại ở tỉnh Idlib và một số khu vực sa mạc tại Syria. Chúng đang thực hiện một số cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria, Nga và thậm chí quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, có nhiều tay súng tại các khu vực khác trên thế giới, như từ Đông Nam Á, Trung Quốc, châu Âu.
Mở rộng không gian hoạt động, khủng bố hiện nay cũng đã có những điều chỉnh để thích nghi với thời đại khoa học công nghệ. Các tổ chức khủng bố đang ứng dụng những tiến bộ trong khoa học công nghệ để thực hiện các hoạt động tuyển mộ và khủng bố.
Khủng bố hiện tại không chỉ dừng lại là các cuộc tấn công tự sát, đâm dao, phục kích.... mà còn là những cuộc tấn công mạng vào các lợi ích của các quốc gia, thực thể. IS là tổ chức đã sử dụng rất nhiều thành tựu khoa học vào hoạt động của chúng.
IS đã sử dụng mạng xã hội, Internet để tuyên truyền tư tưởng cực đoan, thậm chí chúng còn xuất bản tạp chí khủng bố trực tuyến để thu hút các phần tử mới, chúng huấn luyện từ xa, dạy cách thực hiện các cuộc tấn công hay lựa chọn các mục tiêu thông qua mạng Internet.
Các công cụ mạng được khủng bố ưa thích vì chúng rẻ và dễ khai thác, nhưng hệ quả là chúng có khả năng tác động lớn đến xã hội. Thông qua mạng Internet, chúng có khả năng tiến hành hoạt động khủng bố trên toàn cầu.
Việc kiểm soát không gian mạng để chống khủng bố rất phức tạp vì những kẻ khủng bố có thể truyền tải tư tưởng cực đoan từ xa, không cần trung tâm chỉ huy, xúi giục những người mới tiến hành khủng bố mà không cần xuất hiện. Đây thực sự là hình thức tổ chức khủng bố phi truyền thống. Các hoạt động kích động, xúi giục khủng bố tạo ra những kẻ khủng bố đơn độc, hay còn được biết đến là "con sói đơn độc", gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan tình báo.
IS hay các nhóm khủng bố không còn hoành hành tại lãnh thổ Trung Đông, nhưng chúng đã, đang cố gắng để hình thành, phát triển một nhà nước Hồi giáo ảo trên không gian mạng bằng cách tiếp tục phát tán tư tưởng của chúng trên không gian mạng. Như vậy, chống khủng bố IS không chỉ trên thực địa mà còn phải chống trên không gian mạng.
Một vấn đề nữa khi đề cập đến việc các tổ chức khủng bố đang ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khủng bố đó là việc chúng sử dụng các ứng dụng nhắn tin mã hóa đầu cuối như Telegram.
Chúng sử dụng Telegram vì công ty sở hữu ứng dụng này từ chối cung cấp chi tiết các tài khoản sử dụng. Đây thực sự là một vấn đề. Những kẻ khủng bố sử dụng các dạng nhắn tin bảo mật này có thể lên kế hoạch tấn công khi chúng ở cách xa nhau, tại các xã hội phương Tây, cũng có thể tại phương Đông.
Chúng có thể kết hợp các kỹ thuật tấn công khủng bố của phương Tây và phương Đông để thực hiện các mục đích của chúng. Thêm một vấn đề nữa, những kẻ khủng bố có thể sử dụng đồng tiền ảo như bitcoin để sinh lời và cung cấp tài chính cho các hoạt động khủng bố. Điều này gây ra sự khó khăn cho các cơ quan chống khủng bố vì rất khó để xác định kẻ nào thực sự đứng sau các hành động khủng bố.
Tăng cường sức mạnh cho lực lượng chống khủng bố ở các thành phố lớn tại châu Âu. Ảnh: Printest. |
Mạng xã hội đang thực sự là mảnh đất màu mỡ để các nhóm khủng bố khai thác. Hẳn chúng ta còn nhớ làn sóng biểu tình phản đối lan tràn tại Trung Đông vào đầu năm 2011 đã làm nổi bật vai trò của các kỹ thuật truyền thông và thông tin (ICT) hiện đại và các công cụ cũng như các mạng điện tử truyền thông xã hội.
Ảnh hưởng của các kỹ thuật này đã lan tràn trên khắp thế giới tới cả các nước phát triển cũng như đang phát triển, tuy dưới những hình thức khác nhau. “Mùa xuân Ảrập” đã cho thấy các mạng lưới truyền thông xã hội đã bị lợi dụng như thế nào.
Trong hơn chục năm qua, nhiều tổ chức khủng bố lớn được tổ chức quy mô, bài bản như Al-Qaeda, IS... đã và đang dần bị tiêu diệt, thu hẹp phạm vi hoạt động. Thế nhưng, cho dù nỗ lực thế nào, nếu không “triệt tận gốc” tư tưởng thánh chiến cực đoan, chủ nghĩa khủng bố diệt chỗ này, sẽ lại mọc chỗ khác. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, tư tưởng Hồi giáo cực đoan lại càng phát triển và lây lan với tốc độ chóng mặt.
Vậy phải làm gì để ngăn chặn sự lây lan này. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất, để đối phó với khủng bố cần sự hợp tác trên toàn cầu, cần gạt sang một bên những khác biệt về chính trị và quan điểm để cùng nhau chống khủng bố.
Điều này thực tế là rất khó vì các nước có cách định nghĩa và xác định thế nào là khủng bố rất khác nhau. Do chưa có nhận thức chung mang tính toàn cầu về thế nào là khủng bố nên luôn có vấn đề trong cuộc chiến chống khủng bố.
Vấn đề thứ hai trong cuộc chiến chống khủng bố đó là vấn đề lợi ích chính trị. Không thể loại trừ một quốc gia nào đó tham gia vào các hoạt động khủng bố vì lợi ích chính trị. Một số quốc gia có thể cung cấp tài chính cho một số tổ chức ủy nhiệm để tiến hành tấn công khủng bố quốc gia khác. Không loại trừ khả năng này.
Vấn đề thứ ba là còn quá ít liên minh tham gia chống khủng bố. Vấn đề tiếp theo là cuộc chiến chống khủng bố không chỉ dừng lại trên thực địa mà còn mở rộng trên không gian mạng, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa của các nước. Chống khủng bố trên thực địa là chưa đủ, phải chống lại cấu trúc của chúng, chống lại gốc rễ của khủng bố, đó là tư tưởng cực đoan. Phải chống chủ nghĩa cực đoan bên trong thế giới Hồi giáo, ngăn chặn những người trẻ bị nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Nguồn: Hoa Huyền/CAND