Pháp luật

Sửa Luật để hiệu quả phòng, chống ma túy được cao hơn

14:29, 01/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định: Luật đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho công tác này
Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho công tác này
Sau khi Luật được ban hành, công tác chỉ đạo triển khai thi hành đã được tiến hành một cách nghiêm túc, kịp thời và khoa học, bảo đảm các điều kiện cần thiết để đưa các quy định của Luật vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
 
Đáng chú ý, công tác cai nghiện tại cơ sở cũng được chú trọng, tính đến nay, có 2.719 xã, phường, thị trấn thuộc 20 tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác tự cai nghiện ma túy. Đối với cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập, tính đến tháng 12.2018 cả nước có 79 cơ sở cai nghiện công lập có chức năng tổng hợp, trong đó có cai nguyện tự nguyện và điều trị Methadone; 18 cơ sở cai nghiện chỉ làm cai nghiện tự nguyện và điều trị Methadone, hàng năm các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đã tiếp nhận và cai nghiện tự nguyện cho trên 5.000 lượt người…
 
Tuy nhiên, sau hơn 18 năm thi hành, các quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống ma túy… Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai vẫn còn tồn tại như một số quy định của Luật chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về độ tuổi áp dụng, thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quy định chưa thống nhất đối với trường hợp người đang cai nghiện bắt buộc bị phạt tù; công tác quản lý sau cai nghiện; xử lý, quản lý và cai nghiện đối với người nước ngoài; lao động trong cơ sở quản lý sau cai… Một số quy định về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn bất cập, dẫn đến hiệu quả không cao.
 
Liên quan đến công tác này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Đây là bài toán nan giải trong giải quyết tình trạng  nghiện. Vì vậy, tới đây sửa đổi, bổ sung pháp luật về phòng chống ma túy, có ý kiến đề nghị bãi bỏ hình thức “cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng”; bãi bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện. Thay vào đó là phát triển hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng nhưng phải đổi mới toàn diện để bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi.
 
Theo đó, cộng đồng là tất cả những cá nhân, tổ chức có khả năng, tâm huyết và mong muốn tham gia công tác này; gia đình phải thực sự quan tâm và phải được hướng dẫn đầy đủ; chính quyền phải hỗ trợ kịp thời, đặc biệt cán bộ y tế, xã hội hỗ trợ cai nghiện phải chuyên nghiệp. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho mọi người tự nguyện cai nghiện, phát triển các điểm tư vấn, cai nghiện ma túy tại cộng đồng làm hạt nhân.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, hoàn thành và trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, tạo hành lang pháp lý phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác