Pháp luật

Đề xuất gắn hộp đèn xe: Nhiều Bộ trưởng góp ý với Thủ tướng

08:02, 25/07/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trước góp ý của nhiều Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu hủy bỏ đề xuất bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe dưới 9 chỗ.
 
Chiều 22/7, chủ trì Hội nghị toàn quốc về an toàn giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là khẩn trương báo cáo lại Thủ tướng về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô , lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
Đề xuất gắn hộp đèn với xe hợp đồng điện tử gặp phản ứng từ nhiều phía.
Đề xuất gắn hộp đèn với xe hợp đồng điện tử gặp phản ứng từ nhiều phía.
“Tôi thấy có nhiều đồng chí Bộ trưởng góp ý là đề nghị hủy bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe dưới 9 chỗ, thay vào đó dùng công nghệ để quản lý. Tôi yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu vấn đề này”, Thủ tướng nói.
 
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu loại bỏ ngay các điều kiện không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý vận tải thay cho phương thức quản lý truyền thống.
 
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe... khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe); nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo Nghị định.
 
Trước đó, đề xuất gắn hộp đèn trên nóc xe nói trên của Bộ GTVT đã gặp nhiều ý kiến không đồng tình từ nhiều phía.
 
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đặt nhiều câu hỏi về đề xuất này. “Không lẽ ngoài việc bắt xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn, không có cách tư duy nào khác về việc này?”, ông nói khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.
 
Nhìn rộng hơn, ông cho rằng, trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.
 
Đồng thời, bộ ngành phải đặt nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng lên trên quyền lợi của mình khi xây dựng chính sách, thì chúng ta mới có thể tạo ra được một môi trường kinh doanh Việt Nam bình đẳng, thân thiện.
 
“Giả thuyết rằng việc nhận diện là cần, nhưng thử hỏi có cách nhận diện nào khác có chi phí rẻ hơn không, hay chỉ có cách duy nhất là gắn hộp đèn 12 x 30 cm. Có thể sử dụng các sticker dán trên kính với chi phí rẻ hơn không, như đang quy định với xe hợp đồng”, ông Cung đặt vấn đề.
 
Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM đã tính toán, việc thực hiện quy định gắn hộp đèn sẽ khiến một xe ô tô bỏ ra khoảng 200.000 đồng để tuân thủ. Nhân lên hàng ngàn phương tiện hiện tại, cộng thêm chi phí đưa xe đi gắn biển, thì tổng số chi phí xã hội bỏ ra không hề nhỏ...
 
“Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nếu các cơ quan quản lý nhà nước trước khi đề xuất điều kiện kinh doanh thử tính toán xem doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí tuân thủ thế nào để tự đặt câu hỏi có cách nào rẻ hơn không, chắc chắn mọi việc có thể sẽ khác”, ông Hiếu nói.
 
Quy định không cần thiết
 
Góp ý về dự thảo Nghị định của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị, bỏ quy định xe có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử (như Grab, Fastgo...) phải gắn bảng điện tử với chữ "Xe hợp đồng" cố định trên nóc xe. Bộ Tư pháp cho rằng, quy định này là không cần thiết vì dự thảo đã quy định tất cả loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu "Xe hợp đồng".
 
Bên cạnh đó, nghiên cứu làm rõ thêm bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm như Grab, Uber... để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch. 
 
Đồng thời, xem lại các quy định về địa điểm, tần suất đón trả khách của xe hợp đồng, về cơ chế đăng ký để cấp phù hiệu cho từng xe tham gia kinh doanh vận tải, về việc doanh nghiệp phải thông báo thông tin hành trình, thời gian thực hiện đến Sở Giao thông vận tải trước nơi cấp giấy phép kinh doanh trước thực hiện vận chuyển...
 
Còn Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị bỏ quy định lắp hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi. Theo VCCI, quy định này không nhằm mục đích quản lý nào (nếu quản lý loại hình kinh doanh thì đã có phù hiệu). Đồng thời, không phục vụ mục đích nhận diện khách hàng, bởi xe hợp đồng không giống xe taxi, khách hàng không cần nhận biết ở trên đường.
 
 “Trong khi đó quy định này lại gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh (chi phí làm hộp đèn), đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh. Ví dụ, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng trong đám cưới, đám ma…”, VCCI nhấn mạnh.
 
VCCI cũng đề nghị bỏ quy định về giới hạn địa bàn hoạt động của các hình thức vận tải hành khách bằng taxi, xe hợp đồng, xe du lịch. Nguyên nhân, quy định này trái với quy định tại Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp.
 
Về phù hiệu, VCCI cho rằng cần cân nhắc để bỏ quy định về việc cấp phù hiệu cho xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải. Đặc biệt là phù hiệu với các xe container, xe đầu kéo, xe tải vì ở mọi góc độ nhóm này không có nhu cầu nhận diện về phương thức kinh doanh của xe đang lưu thông.
 
“Bởi những xe này dù không mang phù hiệu bản chất của chúng vẫn là xe container, xe đầu kéo, xe tải, không thể khác được…”, VCCI kiến nghị.

Nguồn: Hà Chính/Chinhphu.vn

Các tin khác