Pháp luật

Gần 20 người tử vong mỗi ngày do tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

08:06, 02/05/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 năm 2019 (27/4 - 1/5), toàn quốc xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 96 người, bị thương 96 người.
 
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngày 1/5 – ngày nghỉ lễ cuối cùng trong dịp 30/4 - 1/5, toàn quốc xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 16 người, bị thương 17 người (đều là TNGT đường bộ).
 
Trong đó, tại Hà Nội xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng vào 0h10 ngày 1/5, xe ô tô BKS 30F - 154.78 đi trên đường Hầm Kim Liên hướng Đại Cồ Việt đến khu vực cột đèn KL3/2 xảy ra va chạm với xe máy không có biển kiểm soát trên xe có 2 người, ô tô tiếp tục bỏ chạy tới ngã 3 Đại Cổ Việt - Tạ Quang Bửu thì bị tổ Y4, 141 giữ lại.
 
Hậu quả, vụ tai nạn đã làm 2 người đi xe máy tử vong. Tại thời điểm kiểm tra nồng độ cồn đo được của lái xe ô tô là 0,751mg/1L khí thở, vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận.
 
Như vậy, lũy kế trong 5 ngày nghỉ lễ (27/4 - 1/5), cả nước xảy ra 137 vụ, làm chết 96 người, bị thương 96 người. Trong đó, đường bộ 135 vụ, làm chết 94 người, bị thương 96 người. Đường sắt 2 vụ, làm chết 2 người.
 
Theo ông Khuất Việt Hùng  Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ (27/4 - 1/5), nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện tăng rất cao, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông. Đặc biệt trong ngày đầu và cuối đợt nghỉ lễ tại một số tuyến quốc lộ, cao tốc, tuyến đường vành đai, cửa ngõ ra vào TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng.
 
Cụ thể, chiều ngày 26/4, sáng ngày 27/4, mật độ phương tiện giao thông từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi các địa phương tăng cao nên ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông trên các tuyến cửa ngõ 2 TP, gây ùn ứ cục bộ một số tuyến đường như Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Giải Phóng, đường vành đai 3 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đi về Linh Đàm, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; QL 1A hướng TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây.
 
Tại Hà Nội, bên trong bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm số lượng hành khách dồn về rất đông, người dân xếp hàng mua vé kéo dài, nhiều tuyến xe có lượng người đi quá lớn như Thanh Hóa, Nam Định, Lào Cai, Quảng Ninh.... hành khách phải chờ đợi nhiều giờ mới lên được xe về quê.
 
Hầu hết các bến xe đều đã có kế hoạch bố trí xe tăng cường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết thực hiện một số nội dung như: Không chở quá tải, không thu quá giá vé theo qui định, phương tiện đảm bảo về yếu tố kỹ thuật và còn thời hạn đăng kiểm.
 
Tại TP Hồ Chí Minh, bên trong bến xe Miền Tây và Miền Đông, lượng hành khách về quê cũng rất đông, khu vực bán vé luôn kẹt cứng người xếp hàng, hành khách ngồi la liệt để chờ xe khách.
 
Tại một số TP có điểm du lịch như Đà Nẵng, Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Sầm Sơn, SaPa... do người dân đổ về các điểm du lịch để nghỉ lễ, dẫn tới mật độ giao thông tăng cao đột biến và ùn tắc tại các nút giao thông ra vào khu du lịch.
 
Trên tuyến đường cao tốc do Cục Cảnh sát giao thông quản lý, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến tăng cao, xuất hiện ùn ứ cục bộ ở các trạm thu phí (đầu vào các tuyến cao tốc). Lực lượng thanh tra kiểm sát đã tổ chức phân làn, hướng dẫn điều tiết giao thông, phương tiện lưu thông bình thường. Lực lượng thanh tra kiểm sát đã kiên quyết xử lý những xe dừng, đỗ sai quy định, tình hình giao thông tốt.
 
Cũng theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Ủy ban đã nhận hơn hơn 50 phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi); giảm so với kỳ nghỉ lễ năm 2018.  Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, tập trung chủ yếu các tuyến từ Hà Nội -Thanh Hóa, Nghệ An, Nình Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại; ngoài ra còn phản ánh tình trạng về một số va chạm giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường và các khu vực xung quanh các trung tâm thu hút khách du lịch tham quan nghỉ dưỡng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác