Thông tin trên được Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra tại buổi tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông” do Báo Giao thông tổ chức ngày 3-5.
Tại đây, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đã phân tích, làm rõ và đề xuất một số giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thực trạng tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chế tài xử phạt liệu đã đủ sức răn đe?
Trước hàng loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến rượu bia gần đây, nhiều ý kiến và quan điểm cho rằng, phải chăng luật pháp chưa đủ sức răn đe với cánh tài xế để “ma men” dẫn lối khiến bao gia đình lâm vào cảnh ly tán?
Vậy có nên tăng nặng mức xử phạt để cảnh báo, ngăn chặn hành vi này bằng cách bỏ tù người uống bia rượu dù chưa gây tai nạn, tăng mức phạt, tịch thu bằng lái hay bắt lao động công ích như nhiều nước trên thế giới đã làm?
Thẳng thắn chia sẻ tại buổi toạ đàm, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật về an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) cho biết, ở nước ta, nhiều người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông mà không hề nghĩ đến hậu quả nặng nề, không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và mọi người, làm dư luận xã hội bức xúc.
Nhấn mạnh lực lượng Cảnh sát giao thông đã cương quyết xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia cũng chỉ là phần ngọn, theo Thượng tá Nhật, vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm.
Thừa nhận việc kiểm soát người trong cơ thể có cồn còn phức tạp hơn bởi người ta không kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình, Thượng tá Nhật cho rằng, lực lượng Cảnh sát giao thông cần có ứng xử khôn khéo, cương quyết, linh hoạt để tránh tình trạng tài xế có nồng độ cồn chống lại người thực thi công vụ.
Được biết, thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thẩy, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong bốn tháng đầu năm 2019, Cảnh sát giao thông đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ngay từ đầu năm, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ôtô và môtô. Kế hoạch xử lý này sẽ được triển khai xuyên suốt trong năm 2019.
Đồng tình quan điểm của đại diện Cục CSGT, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, các chế tài xử lý vi phạm trong luật và Nghị định 46 rất mạnh, phạt tiền rất cao, khiến nhiều người e ngại. Mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Với mức xử lý đó, nhiều người đã rất lo ngại.
Tuy nhiên, bà Hiền đặt ra sự băn khoăn khi mức xử phạt đó đã đủ để răn đe hay chưa thì cần nghiên cứu thêm, bởi thực tế có rất nhiều đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng. Dẫn chứng, tại các nước, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt 20 năm tù. Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có nghiên cứu cụ thể để có thể tăng mức tiền xử phạt, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, Bộ GTVT sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 này về Nghị định sửa đổi.
Tuy nhiên, ông cho rằng, việc tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được, mà phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe.
“Nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn, mức cao nhất là phạt tiền 16-18 triệu, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 4-6 tháng. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên 20-30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng”, ông Thanh tiết lộ.
Thu xe, hình sự hóa lái xe uống rượu bia
Khẳng định cơ quan chức năng cần tìm biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe, ngăn chặn tài xế uống rượu bia, đại diện các cơ quan chức năng và luật sư, chuyên giao giao thông đặt vấn đề, tại sao chỉ phạt có 16-18 triệu đồng, trong khi ở nước ngoài người vi phạm còn bị đi tù, phạt tiền, tịch thu bằng lái vĩnh viễn….
Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, vấn đề tước bằng lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện giao thông là một trong những giải pháp có thể áp dụng.
“Hiện theo quy định, ngoài phạt tù 15 năm còn có hình phạt bổ sung cấm hành nghề 5 năm để chấm dứt việc người vi phạm tham gia giao thông. Còn việc cấm vĩnh viễn sẽ tính toán. Riêng việc tịch thu phương tiện, luật đã quy định có thể tịch thu khi gây tai nạn”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế sử dụng rượu bia vừa qua thể hiện nhận thức của người dân về vấn đề này tốt lên nhiều.
Ông dẫn chứng, khi xây dựng Nghị định 171 sửa đổi, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có kiến nghị bổ sung chế tài nếu tái phạm vi phạm nồng độ cồn thì có thể tịch thu phương tiện hay một số ý kiến đề xuất phải xử lý hình sự hành vi uống rượu bia đã nhận được rất nhiều “gạch đá” phản đối.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. |
“Hiện tại, ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện, xử lý hình sự với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất được hoan nghênh ủng hộ. Pháp luật về an toàn giao thông nghiêm cấm hành vi uống rượu bia lái xe vì đó là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Như vậy, điều khiển phương tiện cơ giới là nguy hiểm không khác gì đang cầm trong tay một khẩu súng”, ông Hùng ví von.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ quan điểm đừng nghĩ xử phạt là để phạt, mà là một biện pháp để giáo dục, tuyên truyền. Đây là hình thức mạnh hơn lời cảnh báo. Cảnh báo bằng tiền, bằng chế tài lao động công ích, cảnh báo bằng việc bỏ tù để thay đổi hành vi, thói quen.
Qua những vụ tai nạn đau lòng vừa xảy ra, đại diện các chuyên gia và luật sư nêu vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước là cần có biện pháp xử lý mạnh tay để răn đe, không chỉ sau khi vụ việc diễn ra, mà còn phải mang tính dự phòng, ngăn chặn hành vi vi phạm; đồng thời cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia giao thông để từ đó thay đổi hành vi.
Để khắc phục tình trạng tài xế uống rượu khi tham gia giao thông, mỗi người hãy là một tuyên truyền viên, làm gương từ trong gia đình đến cơ quan, khu phố, cộng đồng và phải thay đổi văn hoá uống rượu bằng cách cần quản lý như thế nào, làm sao cho người dân khó tiếp cận rượu bia hơn, quy định độ tuổi, thời gian, mức độ uống rượu bia…
Sở GD&ĐT Hà Nội hỗ trợ gia đình cô giáo tử nạn ở hầm Kim Liên
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Chiều 2-5, lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã đến thăm hỏi gia đình cô giáo Trần Thị Quỳnh (giáo viên của Trường Tiểu học Thái Thịnh) - nạn nhân trong vụ tài xế Mercedes say xỉn tông chết 2 người ở hầm Kim Liên (TP Hà Nội).
Lãnh đạo Sở GD&ĐT gửi lời động viên đến con trai chị Quỳnh là cháu Trần Đức Minh (học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên) cố gắng ổn định tâm lý để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp tới.
Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến cũng đã thay mặt Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội trao cho gia đình nạn nhân Trần Thị Quỳnh số tiền hỗ trợ 10 triều đồng.
Cô Nguyễn Linh Chi - Hiệu trưởng TrườngTiểu học Thái Thịnh cho biết, nhà trường đã cùng với gia đình chuẩn bị cho lễ viếng của cô Quỳnh trong ngày 3-5. Trong lễ chào cờ đầu tuần sau, nhà trường sẽ có phút mặc niệm tưởng nhớ cô giáo Quỳnh. Cô Quỳnh công tác hơn 20 năm tại trường.
Trong quá trình công tác tại nhà trường, cô Quỳnh là giáo viên có chuyên môn tốt, được đồng nghiệp, các em học sinh và phụ huynh quý mến. Bên cạnh đó, cô là giáo viên dạy giỏi cấp quận, đảm nhiệm công việc quan trọng là phụ trách đội tuyển thi chữ đẹp của trường.
.