(Congannghean.vn)-Trên chặng đường dài dựng xây và phát triển đất nước, tuyệt đại đa số đồng bào các dân tộc Việt Nam đều đoàn kết, đồng lòng quyết tâm đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước Việt Nam ổn định và phồn vinh. Tuy nhiên, như một quy luật tất yếu, trong dòng chảy mạnh mẽ và lớn lao ấy, vẫn tồn tại số ít những kẻ âm mưu chống phá Nhà nước, dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, kích động bà con, tập trung vào những người trẻ để lôi kéo vào hoạt động phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
1.Tính đến nay, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực gần 5 tháng. Thời gian chưa dài nhưng người dân đã thực sự quan tâm tìm hiểu về các điều khoản mà Luật đề cập. Và, ai cũng cảm thấy mình được bảo vệ khi “sinh hoạt” trên môi trường mạng vô cùng sôi động. Chỉ một số ít đối tượng phản động, chống phá là tung ra các luận điệu xuyên tạc về Luật An ninh mạng để mưu đồ cho lợi ích cá nhân. Chúng rêu rao rằng, Luật An ninh mạng “sẽ cản trở quyền công dân”, “làm công dân bị lộ các thông tin bí mật”, “gây khó khăn cho quá trình học tập của người dân và hội nhập của đất nước”; và rằng “Thời điểm hội nhập sâu rộng như hiện nay, tại sao lại ban hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cản trở sự phát triển”… Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại.
Người dân cần nâng cao cảnh giác chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch |
Thứ nhất, Luật An ninh mạng được Quốc hội (cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân) ban hành đúng với chức năng, vì lợi ích chung, phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, được hệ thống chính trị đồng thuận, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ngoài mục đích là cơ sở pháp lý hữu hiệu góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc và người dân trước những nguy cơ đe dọa, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì Luật An ninh mạng không nhằm mục đích nào khác. Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập facebook, google, youtube. Người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng này hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, Luật đã quy định các biện pháp bảo vệ đảm bảo về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội…
Thứ hai, Luật An ninh mạng có “rào cản” gì không? Câu trả lời là có. Với những quy định chặt chẽ về những hành vi nghiêm cấm, tất nhiên các đối tượng có âm mưu chống phá sẽ phải lo lắng. Chúng không thể dễ dàng lợi dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người dân chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc... cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng với đó, các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm. “Chuỗi các hành vi” này vốn đã quen thuộc với các đối tượng chống phá, chúng sợ rằng Luật An ninh mạng sẽ là rào cản khiến âm mưu, ý đồ sẽ không thể thực hiện được.
Thứ ba, những kẻ chống phá đó là ai? Là các tổ chức phản động, cực đoan, phần tử cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước cấu kết chặt chẽ với nhau để chống phá. Về tổ chức, đáng chú ý là: “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Việt Tân”, “Hội Anh em Dân chủ”... Về cá nhân, nổi lên là một số đối tượng cực đoan chống đối ở nước ngoài và số ít ở trong nước suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hám danh, hám lợi, bị các tổ chức phản động mua chuộc, lôi kéo. Mục đích của các đối tượng này chủ yếu là vì lợi ích cá nhân và hưởng thụ vật chất; không vì lợi ích tập thể hay cộng đồng.
2. Sở dĩ chúng tôi nêu điển hình về việc lợi dụng Luật An ninh mạng để kích động người dân chống phá như trên là để cho thấy, mọi nội dung, sự kiện thu hút dư luận đều được các đối tượng phản động triệt để xuyên tạc nhằm đánh vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Với những người dân có cái nhìn khách quan thì đều hiểu rằng một số cuộc tụ tập đông người thời gian qua chỉ là sự kích động nhằm trục lợi cá nhân. Nó không mang lại điều gì tốt đẹp cho người dân mà ngược lại còn gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, an toàn trong mắt du khách và bạn bè quốc tế. Tại những vụ việc trên, chúng ta thấy không ít người dân nghèo, trong đó có nhiều thanh, thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ đã bị mua chuộc bằng số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng để làm những điều vi phạm pháp luật, tiếp tay cho âm mưu phá hoại đất nước. Không ít người giờ đây đã phải trả giá bằng những án phạt tù, nhận lấy kết cục cay đắng cho tương lai cuộc đời họ. Tất cả đều là kế hoạch và âm mưu của các đối tượng chống phá.
Đặc biệt, đối tượng mà kẻ xấu luôn hướng tới trong mục tiêu chống phá chính là tầng lớp thanh, thiếu niên. Bởi chúng hiểu, đặc điểm của thanh, thiếu niên chính là tâm lý nhạy cảm, ham tiếp cận cái mới, thích tự khẳng định mình; trong khi vốn sống và nhận thức chính trị - xã hội còn hạn chế, dễ dụ dỗ, lôi kéo, tiêm nhiễm bằng cả vật chất và văn hóa, lối sống thực dụng, ngoại lai. Đồng thời, chúng cũng lợi dụng những sơ hở, buông lỏng trong công tác quản lý, hoặc một bộ phận thanh niên đua đòi theo trào lưu, lối sống hưởng thụ, đòi xét lại quá khứ…, để lôi kéo, kích động, tập hợp thanh niên tham gia, hòng gây mất ANTT, chống đối chính quyền.
Chúng bịa đặt, đưa nhiều thông tin sai lệch, lấp lửng, giật gân và tạo ra các diễn đàn để nhiều người trẻ truy cập và mời chào tham luận. Chúng khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực để kích động lớp trẻ tỏ thái độ bất mãn với cái mà chúng gọi là “thảm trạng của đất nước”. Với những chiêu bài này, chúng đã đạt được mục đích là lôi kéo được một bộ phận thanh niên thiếu bản lĩnh, mơ hồ về nhận thức chính trị tham gia tuần hành gây rối trật tự, an ninh an toàn xã hội; cá biệt, một số thanh niên còn bị kích động đã đưa lên blog, facebook những bài viết tán dương dân chủ tư sản, nói xấu chế độ, vu cáo, nói xấu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bị “dắt mũi” đi theo các đối tượng phản động, chống đối để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Trước những sự việc trên cho thấy, sự tỉnh táo về nhận thức của mỗi người dân vào lúc này là hết sức cần thiết, không để mắc mưu kẻ xấu. Cách thức tiếp cận vấn đề cũng cần sự đúng đắn, đầy đủ. Đặc biệt, người công dân có trách nhiệm và tỉnh táo là cần phải hiểu và chia sẻ với những quyết tâm cao, chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Quốc hội, từ đó đóng góp ý kiến xây dựng chân thành, nghiêm túc, đúng pháp luật. Đó chính là cách để mỗi chúng ta chung tay, góp sức xây dựng đất nước vững mạnh, trường tồn và cũng không để những kẻ cơ hội, chống đối có “đất” lợi dụng. Kỷ cương, phép nước chỉ có thể được đảm bảo trên cơ sở lực lượng chức năng thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật. Những ý đồ xấu, vi phạm pháp luật đi ngược lại với ý chí, quyền lợi của đại bộ phận người dân sẽ bị xử lý nghiêm.
.