Pháp luật
Lái xe sử dụng ma tuý: Tăng nặng hình phạt người vi phạm
07:22, 25/04/2019 (GMT+7)
Phải xử theo hướng hình sự với các lái xe uống rượu bia, sử dụng ma tuý gây tai nạn, sửa luật theo hướng phạt nặng kết hợp với lao động công ích, tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe với các phương tiện sở hữu chính chủ. Nếu phương tiện thuộc trách nhiệm của các nhà xe thì cần tính toán, bổ sung hành lang pháp lý theo hướng xử phạt nhà xe khi giao phương tiện cho người điều khiển không đủ điều kiện sức khoẻ, gây tai nạn nguy hiểm cho xã hội.
Tăng cường kiểm tra, xây dựng phần mềm quản lý lái xe
Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I, triển khai kế hoạch quý II/2019, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu do lái xe uống rượu, sử dụng ma tuý.
Bên cạnh đó, hiện tượng tài xế vi phạm nồng độ cồn, tấn công hoặc chống đối cảnh sát rất phổ biến, tuy nhiên Cục trưởng Cục CSGT cho rằng quyền của cảnh sát để xử lý mạnh tay rất khó.
“Các đối tượng uống rượu, ma túy là bất chấp hết. Đặc biệt, một số trường hợp dừng, bỏ xe hiện chưa có chế tài, không giao quyền hạn cho người có thẩm quyền không thể cẩu xe đi được, không bắt giữ người ta được. Còn người say rượu bị giữ lại công an đã giải thích rất nhiều nhưng họ không hợp tác… Ở các nước, trường hợp này có thể khóa tay đưa về trụ sở nhưng ở Việt Nam lại có thể gây ý kiến”, Trung tướng Dũng dẫn chứng.
Khẳng định trong năm 2019 phải tiếp tục tăng cường kiểm tra các trường hợp lái xe sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy) tham gia giao thông, người đứng đầu Cục Cảnh sát giao thông cho biết Bộ Công an đã ban hành kế hoạch chuyên đề rượu bia, ma tuý, vi phạm tốc độ, dừng đỗ,... trong đó đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma tuý. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chỉ là khâu sau cùng, điều quan trọng cần có chiến dịch tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân hiểu rõ những tác hại của chất kích thích đối với ATGT.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cũng đề nghị xem xét chế tài xử lý với các đối tượng vi phạm giao thông không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, đặc biệt là các đối tượng sử dụng rượu bia, ma tuý, các đối tượng quá khích dừng đỗ xe xong bỏ đi, gây cản trở giao thông...
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã có nhiều đoàn kiểm tra doanh nghiệp, lái xe, qua đó đã phát hiện nhiều lái xe vi phạm sử dụng chất kích thích do quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp. Bộ GTVT sẽ bổ sung Thông tư 63 để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, lái xe bằng việc xây dựng hệ dữ liệu giám sát lịch sử điều khiển phương tiện, sức khỏe lái xe, dữ liệu này sẽ được kết nối với các Bộ, ngành liên quan cùng quản lý.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để quản lý chặt người lái xe kinh doanh vạn tải, Tổng cục đang nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý lái xe. Phần mềm sẽ ghi nhận, lưu trữ thông tin về lịch sử hoạt động của lái xe kinh doanh vận tải. sau khi xây dựng xong, Tổng cục sẽ cung cấp tài khoản truy cập phần mềm cho các Sở GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải để theo dõi, cập nhật thông tin về lái xe. Đồng thời, xây dựng trục kết nối với phần mềm quản lý lái xe để đồng bộ thông tin về người lái xe, kết nối với hệ thống giám sát hành trình để chia sẻ dữ liệu về km hoạt động, vi phạm tốc độ, thời gian lái xe.
Tăng nặng hình phạt
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhắc lại các vụ tai nạn nghiêm trọng tại Long An, Hải Dương... khiến hàng chục người chết, bị thương, lái xe đều có kết quả dương tính với ma tuý, gây tâm lý rất bức xúc, hoang mang cho dư luận, và nhấn mạnh trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý hiện nay chỉ phụ thuộc vào tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông. Vai trò chủ động phát hiện ra lái xe nghiện ma tuý, uống rượu của chủ xe còn rất hạn chế. Theo Phó Thủ tướng, trách nhiệm của người vi phạm cần xử lý nghiêm, theo hướng tăng nặng.
"Tình trạng buông lỏng quản lý về ATGT trong kinh doanh vận tải, khoán trắng cho lái xe, tạo áp lực doanh thu và thời gian chuyến xe... của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải chưa khắc phục. Sau các vụ TNGT do xe kinh doanh vận tải gây nên TNGT, thường đối tượng bị xử lý hình sự mới chỉ là lái xe, chưa thấy cơ quan chức năng báo cáo về xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ xe, chủ doanh nghiệp có xe gây TNGT, kể cả vụ TNGT do lái xe sử dụng ma tuý làm 8 người chết ở Hải Dương, mới chỉ thấy xử lý về mặt hành chính, đình chỉ kinh doanh có thời hạn", Phó Thủ tướng nói.
"Phải xử theo hướng hình sự với các lái xe uống rượu bia, sử dụng ma tuý gây tai nạn, sửa luật theo hướng phạt nặng kết hợp với lao động công ích, tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe với các phương tiện sở hữu chính chủ. Nếu phương tiện thuộc trách nhiệm của các nhà xe thì cần tính toán, bổ sung hành lang pháp lý theo hướng xử phạt nhà xe khi giao phương tiện cho người điều khiển không đủ điều kiện sức khoẻ, gây tai nạn nguy hiểm cho xã hội. Không thể để tình trạng chủ doanh nghiệp không biết lái xe thuộc doanh nghiệp sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia khi lái xe. Không có gì lý chủ xe không biết lái xe nghiện ma tuý, trước khi xuất bến phải kiểm tra lái xe có bia rượu hay không", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nguồn: Tiengchuong.vn