(Congannghean.vn)-Trước những diễn biến phức tạp về tình hình cháy, nổ diễn ra trên cả nước nói chung cũng như tỉnh Nghệ An nói riêng, trong thời gian qua, Nghệ An đã tăng cường chỉ đạo công tác PCCC, trong đó tập trung vào công tác quản lý Nhà nước về PCCC nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót về PCCC; thẩm định, nghiệm thu về PCCC tại các công trình được thực hiện nghiêm ngặt, kiên quyết không cho nợ tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC tại Kho xăng dầu Nghệ Tĩnh |
Cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng vẫn diễn biến khá phức tạp, nhất là những vụ cháy nhà cao tầng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Tại Nghệ An, số vụ cháy, nổ tăng so với các năm trước nhưng thiệt hại do cháy lại giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 99 vụ cháy. Riêng địa bàn TP Vinh, trong quý 1 xảy ra 25 vụ cháy. Đáng chú ý là vụ cháy nghiêm trọng tại tổ hợp nhà hàng - khách sạn - karaoke Avatar (đường Nguyễn Sỹ Sách) ngày 18/3 khiến 1 người thiệt mạng.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ diễn biến phức tạp như hiện nay. Nguyên nhân khách quan là tác động của tốc độ đô thị hóa của tỉnh ngày càng phát triển nhanh, nhiều chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mọc lên như nấm, trong khi đó Nghệ An là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là do ý thức chấp hành, thực hiện quy định PCCC của một bộ phận người dân vẫn còn kém. Một số đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chưa coi trọng, quan tâm đến công tác PCCC&CNCH, nhiều đơn vị chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất kinh doanh mà không quan tâm đầu tư, không tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC. Ở một số nơi, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo giải quyết các tồn tại, vướng mắc về công tác PCCC&CNCH tại địa phương còn thiếu quyết liệt và coi việc thực hiện công tác PCCC là của lực lượng Công an.
Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An có hơn 940.500 ha rừng; 11.865 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó, có gần 5.000 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ; 1 khu kinh tế, 9 khu công nghiệp với 162 nhà máy, xí nghiệp, 230 chợ, 30 siêu thị, trung tâm thương mại, trên 500 nhà cao tầng cao từ 5 tầng trở lên… Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý PCCC và phòng ngừa cháy, nổ.
Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC, chủ động phòng ngừa cháy, nổ, trong những năm qua, Nghệ An đã tích cực ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện chỉ đạo công tác PCCC&CNCH trên địa bàn, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Lực lượng Công an mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo đối với công tác PCCC&CNCH.
Công an tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC; ký quy chế phối hợp thực hiện công tác PCCC&CNCH với các sở, ban, ngành trong tỉnh. Trong đó, Công an tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC theo các chuyên đề chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh xăng dầu… nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót để kiến nghị khắc phục. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã tiến hành kiểm tra PCCC tại hơn 6.570 lượt cơ sở, xử phạt hơn 400 trường hợp trong đó có 11 công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm bị lập biên bản; 2 công trình chung cư cao tầng bị tạm đình chỉ hoạt động do đưa vào sử dụng nhưng chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.
Thời gian qua, Công an tỉnh cũng đã mạnh tay xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, trong việc thực hiện các quy định pháp luật về PCCC. Đây là nội dung được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý những công trình sai phạm về PCCC một cách triệt để, tránh những hậu quả đáng tiếc sau này. Nội dung này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Thanh Quý khẳng định trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 vào cuối tháng 3 vừa qua. Đồng chí Thái Thanh Quý cho biết, lãnh đạo địa phương rất chú trọng việc thẩm định, nghiệm thu các công trình PCCC, liên quan đến an toàn phòng, chống cháy, nổ. Đặc biệt, tỉnh không cho nợ tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn phòng, chống cháy, nổ, tránh phát sinh hậu quả khó lường.
Cũng tại buổi làm việc, Nghệ An đã nghiêm túc đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 2014 - 2018, trong đó nổi bật là đã tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo sự chuyển động mạnh mẽ dưới cơ sở, từ việc gắn trách nhiệm người đứng đầu, ban hành kế hoạch hàng năm, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, phân công trách nhiệm cho các thành viên ban chỉ đạo. Tỉnh đã thành lập Bộ phận Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo PCCC&CNCH cấp tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo 21/21 UBND các huyện, thành, thị thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC&CNCH. Các ngành, địa phương đã tổ chức 1.532 buổi tuyên truyền, huấn luyện về công tác PCCC&CNCH với 177.959 lượt người tham gia; đăng tải 369 phóng sự, 1.376 tin, bài tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH; tổ chức cho 9.124 lượt cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn tỉnh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.