Pháp luật
Ám ảnh tội phạm 'ngáo đá': Trấn áp mạnh, ngăn chặn tội phạm ma túy
10:28, 14/03/2019 (GMT+7)
Tình trạng người nghiện ma túy ngày càng gia tăng, gây ra nhiều án mạng, làm bất an cho xã hội.
Các cơ quan chức năng kiến nghị cần có những chế tài mạnh, trấn áp mạnh, bên cạnh điều chỉnh, sửa đổi các quy định để ngăn chặn tình trạng này.
Một ông “trùm” mua bán ma túy “đá” bị sa lưới Công an TP.HCM |
Theo trung tá Hoàng Tuấn Nam (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH - Công an TP.HCM), hiện nay giới trẻ sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) tại các quán bar, vũ trường, karaoke... đang là vấn đề nhức nhối, có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Mặc dù lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy tại các địa điểm trên, bắt giữ hàng trăm đối tượng, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Theo lãnh đạo Công an Q.5 (TP.HCM), mặc dù quận đã xử lý nhiều cơ sở karaoke, khách sạn, quán bar, vũ trường trên địa bàn quận vì để cho khách sử dụng ma túy, tuy nhiên một số cơ sở sau khi bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục để tình trạng này tái diễn. “Một số chủ cơ sở cho rằng số tiền xử lý vi phạm hành chính nhẹ, số tiền phạt không bằng lợi nhuận từ việc kinh doanh này vì vậy chủ cơ sở vẫn tiếp tục để khách sử dụng ma túy trong quán bar, vũ trường, karaoke mà không có biện pháp ngăn chặn”, vị lãnh đạo này nói.
Rút ngắn quy trình đưa người nghiện đi cai
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Nghệ An, cho biết việc xử lý, ngăn chặn sử dụng MTTH, trong đó có ma túy "đá" hiện gặp nhiều khó khăn. “Khi muốn kiểm tra các quán karaoke, vũ trường, theo quy định chúng tôi phải phối hợp với nhiều cơ quan khác như: công an, văn hóa, y tế nên rất khó để lập đoàn kiểm tra, nhất là việc kiểm tra đột xuất lại càng khó khăn”, bà Hường nói và cho biết khi phát hiện các vụ sử dụng ma túy "đá", theo quy định của bộ luật Hình sự mới sửa đổi, đối tượng sử dụng ma túy không phải tội phạm nên chỉ xử lý hành chính, chỉ những đối tượng tàng trữ ma túy mới bị xử lý hình sự.
Ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội, tỉnh Đồng Tháp) cho rằng việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy của chúng ta cũng chưa hiệu quả khi những người sử dụng ma túy hiện được coi là bệnh nhân chứ không phải là đối tượng vi phạm pháp luật; người sử dụng ma túy chỉ bị xử phạt hành chính với mức rất thấp và muốn đưa họ vào các trại cai nghiện tập trung thì phải thông qua rất nhiều trình tự, thủ tục. Trước đây, người nghiện ma túy được cơ quan công an kết luận thì có thể đưa vào trại cai nghiện bắt buộc ngay, còn bây giờ thì phải do tòa án ra quyết định.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, chỉ tính các khâu thủ tục, hồ sơ tại địa phương để hoàn tất được hồ sơ chuyển sang tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc cũng phải mất tới 67 ngày. Trước đây, cơ quan công an chỉ cần kiểm tra thấy có ma túy là có thể đưa vào trại cai nghiện. Tuy nhiên, sau này vì lý do nhân đạo, chúng ta không coi người sử dụng ma túy là đối tượng vi phạm pháp luật và chỉ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, bao gồm xử phạt hành chính và đưa vào trại cai nghiện bắt buộc với các đối tượng đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú ổn định. Ông Sơn kiến nghị phải xem xét rút ngắn thời gian thủ tục để đưa các đối tượng nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Năm 2012, TP.Đà Nẵng đã ban hành một quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để rút ngắn thời gian từ ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc với các đối tượng nghiện ma túy xuống còn 7 ngày.
Xử lý, ngăn chặn
Theo Công an TP.HCM, công tác quản lý, đấu tranh tội phạm ma túy còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên Chính phủ cần quan tâm sửa đổi. Nhiều loại ma túy không thuộc nhóm OPIATS và ATS đã được phát hiện sử dụng trong nước nhưng lại chưa có hướng dẫn xác định tình trạng nghiện (như chất XLR-11 có trong cỏ Mỹ), trong khi đó số người sử dụng các loại ma túy nói trên ngày càng nhiều. Mặt khác, hiện chưa có cơ sở pháp lý về việc quản lý và đảm bảo sự có mặt của người có nơi cư trú ổn định trong thời gian xác định tình trạng nghiện. Do vậy, các địa phương “bó tay” trong việc lưu giữ các đối tượng để xác minh tình trạng nghiện, nhất là người nghiện nhóm ATS; MTTH thường đưa vào khách sạn, quán bar, karaoke... để sử dụng nhưng hiện nay thiếu các biện pháp chế tài, xử lý mạnh tay đối với các chủ quán này.
Trước thực trạng trên, Công an TP.HCM kiến nghị UBND TP tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý (thu hồi giấy phép hoạt động) đối với cơ sở kinh doanh, karaoke, quán bar, vũ trường trong trường hợp bị xử lý vi phạm nhiều lần (2 lần trở lên) tại một địa chỉ và dùng thủ đoạn thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để đối phó.
Công an TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhất quán xem người nghiện ma túy là “người nghiện” và đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật cho thống nhất; Tiếp tục duy trì hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, đồng thời kiến nghị cho TP.HCM cơ chế đặc thù được áp dụng xử lý tất cả người nghiện khi phát hiện được vào cơ sở cai nghiện tập trung của TP.
Ông Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, hiện nay các trại cai nghiện do Bộ LĐ-TB-XH quản lý cũng đang quá tải. Trong khi đó, Bộ LĐTB&XH quản lý các trại cai nghiện cũng không đúng “chuyên môn” như trước đây Bộ Công an quản lý vì Bộ LĐTB&XH không có đủ nhân lực và công cụ để xử lý với các đối tượng này trong khi nhiều đối tượng nghiện ma túy hiện nay dù được vào trại nhưng vẫn rất hung hăng, chống đối.
Nguồn: Tiengchuong.vn