Pháp luật

Tích cực đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

09:07, 06/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Từ đầu năm đến nay, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có được những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của các lực lượng chức năng như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Hải quan, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 
Phòng An ninh kinh tế Công an Nghệ An phối hợp với Chi cụ Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra lô hàng mỹ phẩm nhập lậu trị giá gần 1 tỉ đồng - Ảnh: Thiên Thảo
Phòng An ninh kinh tế Công an Nghệ An phối hợp với Chi cụ Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra lô hàng mỹ phẩm nhập lậu trị giá gần 1 tỉ đồng - Ảnh: Thiên Thảo
Vẫn còn diễn biến phức tạp 
 
Tỉnh Nghệ An có tuyến quốc lộ Bắc - Nam đi qua, với đường biên giới hơn 419 km tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các tuyến đường biển, đường bộ, hàng không, đường sắt, tạo điều kiện để Nghệ An giao thương và phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, vận chuyển hàng hóa. Với những điều kiện thuận lợi này, nơi đây cũng trở thành địa bàn phức tạp về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, là điểm trung chuyển lớn lượng hàng hóa từ Trung Quốc vào tỉnh ta và các tỉnh phía Nam để tiêu thụ. Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày đêm với thủ đoạn tinh vi, tìm cách vận chuyển hàng lậu qua địa bàn để đưa sâu vào nội địa.
 
Năm 2018, tình trạng buôn bán hàng cấm, vận chuyển hàng lậu trên địa bàn vẫn xảy ra khá phức tạp. Nổi lên là các vi phạm về gian lận thương mại, hành vi trốn thuế, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. Trong năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 1.617 vụ, số tiền phạt và truy thu thuế bổ sung gần 20 tỉ đồng.
 
Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, bột ngọt, bột giặt, ke chống bão, phân bón… Việc sản xuất hàng giả tại địa bàn Nghệ An diễn ra quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác nhằm tung ra thị trường, lừa dối người tiêu dùng, bán kiếm lời. Đặc biệt là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, hàng không đảm bảo chất lượng và các điều kiện theo quy định.
Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Diễn Châu phát hiện xe tải                                      chở hàng hóa linh kiện điện tử không rõ nguồn gốc
Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Diễn Châu phát hiện xe tải chở hàng hóa linh kiện điện tử không rõ nguồn gốc
Gần đây, xuất hiện các mặt hàng là sản phẩm động vật, gia cầm không qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhập từ Trung Quốc về Nghệ An và qua địa bàn vận chuyển vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ. Tính từ ngày 1/10/2017 - 30/10/2018, riêng lực lượng Công an tỉnh đã  phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 602 vụ, 648 đối tượng có hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong các vụ việc xảy ra, có đến 563 vụ vi phạm về vận chuyển động vật, gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch. 
 
Ở tuyến đường bộ cũng như đường biển, tình trạng vận chuyển pháo lậu, ma túy, thuốc lá… tiếp tục có diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên sát khu dân cư với nhiều đường mòn để vận chuyển hàng hoá vào các chợ, trung tâm thương mại, bến xe. Hàng hoá nhập lậu được xé nhỏ, cho vào các túi xách, va ly, giấu trên người, sau đó dùng các phương tiện xe máy, ôtô con, xe khách vận chuyển dần vào nội thị, địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới để tiêu thụ. Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/11/2017 - 30/10/2018, các lực lượng trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý 1.679 vụ vi phạm gian lận thương mại; 841 vụ buôn lậu, hàng cấm; 100 vụ vi phạm hàng giả; 625 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; phát hiện, bắt giữ 1.236 vụ, 1.529 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy…, xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 100 tỉ đồng. 
 
Giải pháp ngăn chặn kịp thời
 
Mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện giảm nhưng theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, biến tướng và tinh vi nên gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ.
 
Theo nhận định của lãnh đạo Sở Công Thương - cơ quan Thường trực BCĐ 389 của tỉnh, từ nay đến cuối năm là thời điểm hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Các đối tượng vận chuyển các loại hàng hóa như: Thực phẩm, rượu ngoại, thuốc lá, pháo các loại… tuồn vào địa bàn hoặc trung chuyển qua địa bàn tỉnh sẽ diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng hiểu biết của người dân còn hạn chế và tâm lý ưa hàng rẻ, nên các đối tượng đã đưa hàng hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhái, hàng giả trà trộn với hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng vào tiêu thụ trên địa bàn.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra                 hàng hóa bị thu giữ
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra hàng hóa bị thu giữ
Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần đặt lên hàng đầu, ngay từ bây giờ, BCĐ 389 của tỉnh đã có công văn chỉ đạo các thành viên trong Ban và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng nắm vững diễn biến tình hình; chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đặc biệt là các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, không để xảy ra tình hình phức tạp về buôn bán, gian lận thương mại và hàng giả.
 
Ông Trần Đăng Ninh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng BCĐ 389 tỉnh cho biết: Thời gian qua, hoạt động buôn lậu trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, diễn ra cả đường bộ, đường biển, tập trung chủ yếu tại các địa bàn Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Diễn Châu, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu. Trước tình trạng này, ngay từ đầu năm, BCĐ 389 tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo sâu sát đến các ngành, địa phương. Đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các ngành chức năng trong việc mở các đợt cao điểm kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến thương mại, an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018 đã góp phần ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường.
 
Với vai trò là cơ quan Thường trực BCĐ 389, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, đề xuất các giải pháp điều tiết cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, không để tình trạng khan hàng, găm hàng, nâng giá... Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng gồm: Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng bộ công tác chống buôn lậu nhằm siết chặt, chặn đứng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
 
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ... tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển, buôn bán và sử dụng chất cấm dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, sử dụng hóa chất kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản...; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp để tạo được sự lan tỏa sâu rộng; qua đó, mọi người đều thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ và tích cực tham gia công tác này; công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Cao Loan

Các tin khác