Pháp luật

Những công chức, viên chức trong 'bữa tiệc ma túy' sẽ bị xử lý thế nào?

07:49, 25/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chuyện tụ tập tập thể chơi ma túy trong quán karaoke, quán bar không có gì là lạ với dư luận cả nước. Tuy nhiên, việc phát hiện 13 đối tượng chơi ma túy trong quán karaoke Dubai ở thị trấn Hương Khê thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi trong số đó có đến 5 cán bộ công chức, viên chức tham gia “bữa tiệc ma túy” nói trên
Nhiều cán bộ công chức, viên chức tham gia
Nhiều cán bộ công chức, viên chức tham gia "bữa tiệc ma túy"
Liên quan đến việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị tạm giữ vì sử dụng ma túy tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện cán bộ, công chức, viên chức chơi ma túy, bởi trong các báo cáo, thống kê về tình hình nghiện ma túy trong đội ngũ cán bộ, công chức trong cả nước mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố trước đó, con số người nghiện ma túy trong đội ngũ này không phải là ít.
 
Trên thực tế, cán bộ công chức, viên chức lẽ ra phải là những tấm gương để người khác học tập bởi họ được ăn học đàng hoàng, có nhận thức đầy đủ về những tác hại của ma túy. Việc cán bộ, công chức, viên chức chơi ma túy làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ, gây mất niềm tin của người dân vào một bộ phận công chức, viên chức hiện nay.
 
"Khi cán bộ, công chức, viên chức tàng trữ, sử dụng ma túy khiến người dân đặt ra nhiều nghi vấn về những khoản thu nhập bất chính nên mới dễ dàng ném vào ma túy. Bởi công chức, viên chức bình thường thì khó lòng ném tiền vào những cuộc ăn chơi xa xỉ. Do đó, đối với những trường hợp vi phạm thì cần xử lý nghiêm, ngoài trách nhiệm xử lý về mặt pháp luật thì cũng cần có những kỷ luật, kiểm điểm thích đáng đối cán bộ vi phạm tại những đơn vị mà họ đang công tác", Luật sư Bình nhấn mạnh.
 
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích: Theo nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/05/2011 về xử lý kỷ luật công chức thì đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác sẽ bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.
 
Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định được trong số các cán bộ này có người tổ chức sử dụng thì các cán bộ tổ chức sẽ bị truy tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 - Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
 
Theo đó: Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Riêng đối với trường hợp tổ chức sử dụng cho đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
 
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, trước đây người sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, từ năm 2018, hành vi này không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa mà chỉ bị xử lý hành chính. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) không coi hành vi đó là tội phạm. Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
 
Cụ thể, căn cứ Điều 21, Nghị định 167 ngày 12/11/2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
 
Đối với người sử dụng ma túy, Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi bổ sung 2008) quy định việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1-2 năm. Phạm vi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
 
Đối với vụ việc này, đầu tiên Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh phải tập trung làm rõ 2 hành vi: Hành vi tổ chức và Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong trường hợp có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 249 Bộ luật hình sự 2015.

Nguồn: Tiengchuong.vn

Các tin khác