Pháp luật
Tình tiết nổi bật trong 12 ngày xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ
Thành khai thời gian ban đầu đánh bạc với số tiền nhỏ thì thắng liên tục. Bị cuốn theo vòng xoáy đỏ đen, Phạm Quang Thành càng đánh càng thua và tổng cộng mất hơn 3 tỷ đồng vào game bạc Rik Vip. Phiên đặt cược cao nhất cho một lần chơi của Thành lên đến 100 triệu đồng. Kết quả, thanh niên với biệt danh “bán nhà chơi rik” đã phải cầm cố chiếc ô tô của mình lấy 2 tỷ đồng để trả nợ và còn vướng vòng lao lý.
Cuốn theo vòng xoáy của những đồng Rik ảo, bị cáo Lê Văn Huy (sinh năm 1997, Quảng Trị) nghĩ cách lừa đảo trên mạng để kiếm tiền nạp thẻ. Bằng một số công cụ hack, Huy chiếm quyền điều khiển facebook “Hằng Nhữ” của bà Nhữ Thanh Hằng (sinh năm 1954, Hà Nội).
Có được facebook “Hằng Nhữ”, Huy giả danh bà Hằng nhắn tin trao đổi với chị Võ Minh Phương (Phú Thọ) để lừa tiền. Kết quả, Huy lừa được hơn 110 thẻ cào trị giá khoảng 55 triệu đồng. Số tiền này, Huy chơi bạc trên trang Tip Club với những cái tên “fac1”, “dien078”, “lactr47”... và sau đó thua sạch tiền. Cũng chính từ đầu mối của Lê Văn Huy, cơ quan chức năng đã khám phá và đập tan đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương thiết lập.
Bị cáo đầu tiên phản cung trong phiên xử vụ đánh bạc nghìn tỷ là con bạc tên Trần Thiện Tiến (quê Thái Nguyên). Theo biên bản đối soát của cơ quan điều tra, Tiến sử dụng hai nick “thông minh hơn” và “mất nhiều 0123”. Nhưng khi ra trước tòa, Tiến chỉ thừa nhận sử dụng nick “thông minh hơn”.
Theo lời khai của Tiến, nick “mất nhiều 0123” bị cáo lập nhưng nhường cho bạn là Nguyễn Thanh Sơn sử dụng. Khi HĐXX hỏi vì sao trong biên bản đối soát có chữ ký của bị cáo, bị cáo thừa nhận sử dụng 2 nick để đánh bạc thì Trần Thiện Tiến thưa “điều tra viên bảo bị cáo viết như thế”.
Tuy nhiên, chỉ sau một đêm Trần Thiện Tiến đã phải rút lại lời phản cung. Tiến khai rằng “Do bị ốm, uống nhiều thuốc nên đầu óc không tỉnh táo, không nhớ nên không nhận tài khoản “Mất nhiều 0123” là của mình”.
Không chỉ những con bạc lẻ, một bị cáo chủ chốt là ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) cũng phản cung trước tòa. Trả lời thẩm vấn, ông Hóa khai “không liên quan, không có trách nhiệm gì” với công ty bình phong CNC và phủ nhận hoàn toàn việc bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Nhưng cũng chỉ sau một đêm, ông Hóa đã “tỉnh táo lại” và rút lại lời phản cung: “Thời gian gần đây sức khỏe của tôi yếu, trí nhớ không được tốt vì hai mảnh đạn vẫn còn găm trong đầu từ thời chiến tranh”.
Khai với cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương thừa nhận đã cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, một khoản tiền 1,75 triệu USD; Cho C50 số tiền 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD; cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Tuy nhiên, cả ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đều không thừa nhận việc này. Ông Vĩnh khai chỉ nhận của Dương một chiếc áo sơ mi, lọ thuốc bổ gan còn đồng hồ Rolex là mua lại từ tiền ông bán cây cảnh. "Ngoài lương, bị cáo còn có thu nhập từ tiền bán cây cảnh. Chắc chắn bị cáo không lấy lương mua đồng hồ (Rolex giá 1,1 tỷ) mà lấy từ tiền bán cây cảnh" – Ông Vĩnh cho biết.
Còn ông Nguyễn Thanh Hóa chỉ nhận số tiền 700 triệu là CNC biếu Tết C50 và sau đó chia cho mỗi cán bộ, nhân viên của C50 mỗi người một đến hai triệu. Bên cạnh đó, ông Hóa cũng thừa nhận C50 đã nhận của CNC một bộ diệt virus. Về khoản tiền 22 tỷ đồng, ông Hóa khẳng định không có việc nhận từ Nguyễn Văn Dương số tiền này. Hiện nay, cơ quan điều tra chỉ khẳng định việc bị cáo Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, không có căn cứ làm rõ việc các ông Vĩnh, Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau.
Bản Cáo trạng kết luận: “VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 02/KSĐT-P2 đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội “Đưa hối lộ”. Tương tự là trường hợp của Lưu Thị Hồng, cựu giám đốc CNC cũng được miễn truy cứu tội “Đưa hối lộ”.
Trước khi bước vào phần nghị án, HĐXX đã cho phép các bị cáo nói lời sau cùng. Đáng chú ý là những lời hối hận muộn màng của các bị cáo chủ chốt. Là người đầu tiên bước lên bục bị cáo nói lời sau cùng, ông Phan Văn Vĩnh nói: "Cho bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, Chính phủ, Bộ Công an và nhân dân. Trong cuộc đời của bị cáo mãi mãi nói lời xin lỗi này. Cho tôi cảm ơn tới HĐXX, VKS trong phiên tòa công khai, minh bạch ngày hôm nay, phiên tòa thể hiện phiên tòa dân chủ, nghiêm minh của pháp luật…"
Trong khi đó, bị cáo Phan Sào Nam lại cho rằng vấp váp lần này là một may mắn, cảm ơn vì được dừng lại để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn: “Hơn 1 năm qua từ thời điểm bị tạm giam, đến nay bị cáo đã hoàn toàn nhận thức được những sai lầm, tội lỗi của mình gây ra; đã nhận thấy thêm được những mặt tích cực của cuộc sống; sự động viên quan tâm của gia đình và xã hội…, càng thêm ân hận thêm về những lỗi lầm của mình; bị cáo nhận thấy đây là sự may mắn của cuộc đời vì những sai lầm của bị cáo nhờ có phiên tòa mà đã dừng lại để sửa sai cho phù hợp, đó là một may mắn”.
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Văn Dương khẳng định: ““Là người đứng đầu CNC tôi xin nhận trách nhiệm vì đã làm liên đới tới toàn bộ nhân viên trong công ty; xin được nhận thay và chịu mọi trách nhiệm thay nhân viên, xin HĐXX không thực hiện phạt tù đối với các nhân viên CNC để họ được trở về bên gia đình, được tiếp tục làm việc; xin HĐXX xem xét tối đa các hình thức giảm nhẹ mà các luật sư đã đề xuất để tôi được hưởng khoan hồng của pháp luật”.
Theo ông Ngô Tố Dụng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ: Đây là vụ án phá nhiều kỷ lục với số tiền thu lời bất chính lên tới gần 10.000 tỷ đồng; số bị cáo đông nhất 92 người cùng gần 100 nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh đó, hồ sơ vụ án lên tới 1,2 triệu bút lục, tòa án phải dùng 7 tủ lớn để đựng./.
Nguồn: vov.vn