Pháp luật
Cái giá phải trả dành cho người đàn bà chiếm đoạt số tiền gần 700 triệu đồng
10:09, 20/10/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Không bằng cấp, không nghề nghiệp, song để tạo sự tin tưởng ở các bị hại, Cao Thị Tâm “nổ” có quen biết với 1 cựu lãnh đạo UBND tỉnh để lừa “chạy việc” cho người có nhu cầu. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, với thủ đoạn nói trên, Tâm đã chiếm đoạt của các nạn nhân gần 700 triệu đồng để tiêu xài cá nhân.
Vừa qua, TAND tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Cao Thị Tâm (SN 1985) trú tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Theo tài liệu điều tra, từ tháng 6/2014 - 2/2016, lợi dụng lòng tin của một số người, bằng thủ đoạn lừa xin việc làm, Tâm đã chiếm đoạt của các anh Trần Anh Q., Nguyễn Hùng Q. và Võ Trung K. tổng số tiền 660 triệu đồng.
Bị cáo Cao Thị Tâm tại phiên tòa |
Trước đó, vào tháng 6/2014, vì có nhu cầu tìm việc cho vợ nên anh Q. nhờ người quen là Đinh Ngọc Đ. trú tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành giúp đỡ. Người này sau đó đã giới thiệu anh Q. đến Cao Thị Tâm vì biết gia đình Tâm có quan hệ với 1 vị lãnh đạo UBND tỉnh lúc bấy giờ.
Mặc dù không có khả năng xin việc làm nhưng Tâm vẫn nhận lời và hứa sẽ xin cho vợ anh Q. vào làm tại 1 bệnh viện trên địa bàn TP Vinh với chi phí 180 triệu đồng. Tâm “cam đoan trong vòng 3 tháng, chị T. - vợ anh Q. sẽ có quyết định đi làm” nên vợ chồng anh đã tin tưởng tuyệt đối, đưa trước cho Tâm số tiền 70 triệu đồng để “đặt cọc”. Sau đó, lấy lý do “đẩy nhanh tiến độ xin việc làm cho chị T.”, Tâm giục vợ chồng anh Q. tiếp tục đưa thêm số tiền còn lại để chuyển hồ sơ và tiền cho phía bệnh viện. Tin tưởng lời hứa của Tâm, vợ chồng anh Q. lần lượt đưa 30 triệu đồng và 80 triệu đồng. Tổng số tiền mà Tâm chiếm đoạt của vợ chồng anh Q. là 180 triệu đồng.
Một nạn nhân khác của Tâm là anh Nguyễn Hùng Q.. Anh Q. có nhu cầu tìm việc làm cho con gái mới tốt nghiệp 1 trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn. Tháng 9/2015, do người khác giới thiệu nên bố con anh Q. đã tìm đến gặp Tâm nhờ vả. Tâm tiếp tục “nổ” mình có quen biết với 1 vị lãnh đạo UBND tỉnh. Để tạo lòng tin, Tâm còn yêu cầu anh Q. cung cấp thông tin học vấn, bằng cấp và nhu cầu xin việc vào cơ quan nào… Vài ngày sau, Tâm gọi điện nói với anh Q. đã nhờ được người xin cho con gái anh vào làm việc tại 1 cơ quan Nhà nước với chi phí 300 triệu đồng. Tin tưởng, anh Q. đã đưa số tiền trên cho Tâm để “chạy việc”.
Tháng 2/2016, biết con gái anh Võ Trung K. vừa tốt nghiệp 1 trường sư phạm đang muốn xin việc nên Tâm liền tiếp cận. Cũng bằng thủ đoạn trên, Tâm “cam đoan” sẽ xin cho con gái anh K. vào làm giáo viên tại 1 trường mầm non trên địa bàn huyện Hưng Nguyên với chi phí 180 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền từ các nạn nhân, Tâm đã dùng vào việc tiêu xài cá nhân. Còn hồ sơ, giấy tờ liên quan đến xin việc, thị đều để thất lạc. Sau một thời gian dài chờ đợi không có kết quả, các bị hại đã liên tục gọi hỏi Tâm. Ban đầu, thị đưa ra các lý do khác nhau để kéo dài thời gian. Nhận thấy Tâm có nhiều dấu hiệu nghi vấn, các nạn nhân đã yêu cầu hoàn trả số tiền đã đặt cọc nhưng không được nên đã tố cáo hành vi của Tâm lên cơ quan Công an.
Trước khi phiên tòa được đưa ra xét xử, bị cáo Cao Thị Tâm đã hoàn trả 180 triệu đồng cho anh Trần Anh Q. và 55 triệu đồng cho anh Nguyễn Hùng Q.. Riêng anh Võ Trung K. chưa nhận được đồng tiền nào từ Tâm.
Tại tòa, Cao Thị Tâm đã khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình như trong cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân truy tố. Thị thừa nhận bản thân không có khả năng xin việc cũng không quen biết vị cựu lãnh đạo UBND tỉnh nào nhưng đã “nổ” như vậy để tạo niềm tin cho các nạn nhân. Còn các bị hại đều tỏ ra bức xúc, phẫn nộ vì do bị Tâm lừa đảo mà cuộc sống của họ rơi vào cảnh khốn đốn.
Anh Q. cho biết, chỉ vì tin lời “cam đoan” của Tâm mà con gái anh đã bỏ qua rất nhiều cơ hội làm việc tại một số cơ sở tư nhân trong nước và nước ngoài. Hiện, con gái anh vì xấu hổ, sợ điều tiếng với bạn bè, hàng xóm nên suốt ngày chỉ ru rú trong nhà, không ra ngoài giao tiếp với ai. Trước đó, để có tiền “xin việc” cho con gái, vợ chồng anh đã phải thế chấp sổ đỏ với lãi suất cao. “Nay con gái không có việc làm trong khi số tiền lãi hàng tháng vẫn phải đóng đều đều. Đúng là “tiền mất tật mang””, anh Q. bức xúc cho biết. Không chỉ anh Q. mà các nạn nhân khác cũng phải thế chấp sổ đỏ, thậm chí còn vay nặng lãi để có tiền nộp cho Tâm. Vì thế, tại phiên tòa, họ đều yêu cầu thị hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ từ cơ quan điều tra, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Cao Thị Tâm là đặc biệt nguy hiểm. Mặc dù không có khả năng xin việc làm nhưng vì lòng tham đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều bị hại, gây hiểu lầm của dư luận đối với cán bộ Nhà nước nên cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống một thời gian. Đồng thời, qua đây, đối với các bị hại, HĐXX cũng cảnh báo rằng: Nếu muốn được làm việc trong cơ quan Nhà nước thì phải chờ chỉ tiêu của các đơn vị và phải trải qua các vòng thi để chọn người đạt tiêu chuẩn chứ không phải qua con đường “chạy chọt”.
Khi được nói lời nói sau cùng, bị cáo Cao Thị Tâm xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Cao Thị Tâm 9 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải hoàn trả số tiền 425 triệu đồng cho 2 anh Nguyễn Hùng Q. và Võ Trung K.. Do bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại và đang áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
THU THỦY