(Congannghean.vn)-Luật Cư trú được Quốc hội thông qua năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Qua 10 năm thực hiện, Luật đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân về đăng ký nhân, hộ khẩu, góp phần ổn định tình hình ANTT, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.478 km2, 838.086 hộ, 3.414.208 nhân khẩu. Trên địa bàn có nhiều dân tộc cùng chung sống như: Kinh, Thái, Tày Poọng, Nùng, Khơ Mú, Đan Lai…; có 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện; có đường biên giới Việt - Lào dài 419 km và các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển KT-XH, tình hình nhân, hộ khẩu ở Nghệ An diễn biến phức tạp.
Cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Nam Đàn trực tiếp xuống địa bàn để làm thủ tục cấp CMND cho người dân |
Trên địa bàn có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học… đóng chân. Ngoài ra, địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch, hàng năm có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến lưu trú để tham quan, du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH nhưng cũng là những khó khăn trong công tác đăng ký, quản lý cư trú.
Để đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như kiềm chế tội phạm và các tệ nạn xã hội, không phát sinh “điểm nóng”, phức tạp về ANTT, những năm qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu, đảm bảo quyền tự do lựa chọn nơi cư trú của công dân.
Hàng năm, UBND tỉnh đều tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật về cư trú đến đông đảo người dân; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú trên địa bàn nhằm lắng nghe ý kiến của cử tri để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cư trú, xây dựng các khu trọ an toàn về ANTT. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tổ dân phố trong công tác quản lý cư trú để chủ động phòng ngừa tội phạm; tăng cường kiểm tra các khu vực kinh doanh lưu trú và việc chấp hành các quy định về ANTT, tiếp nhận thông báo lưu trú, tạm trú, tạm vắng; hướng dẫn các thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình về cư trú. Lực lượng Cảnh sát khu vực thường xuyên phối hợp với nhân dân vận động, nhắc nhở các hộ gia đình có nhà trọ cho thuê, các cơ sở kinh doanh lưu trú khi có người đến ở phải có trách nhiệm thông báo việc cư trú.
Nhiều kết quả quan trọng
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cư trú, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội đã triển khai hiệu quả nhiều mặt công tác như: Tiếp tục thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ trong giải quyết các thủ tục về cư trú, các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an và kế hoạch của lãnh đạo Công an tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu quả quản lý bộ máy Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng chức năng thực hiện tốt các kế hoạch, nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý cư trú...
Cụ thể: Bố trí, chỉnh trang nơi tiếp công dân, các điểm tiếp nhận lưu trú, niêm yết các quy định, thủ tục về đăng ký, quản lý cư trú...; rút gọn quy trình, thời gian, thủ tục giải quyết cư trú như: Rút ngắn thời gian thủ tục hoàn trả CMND, sổ hộ khẩu, (giảm từ 5 đến 14 ngày so với quy định hiện hành)... Công tác triển khai thực hiện CCHC từng bước được cải thiện đơn giản hóa theo hướng công khai, vừa thuận tiện cho nhân dân, vừa đảm bảo đúng pháp luật. Việc đăng ký, quản lý cư trú thuận tiện, thủ tục nhanh gọn, tạo điều kiện cho công dân đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú theo Luật Cư trú quy định, được các cấp, ngành và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Cán bộ làm công tác đăng ký quản lý cư trú thường xuyên học hỏi, nghiên cứu, nắm vững luật và các văn bản hướng dẫn, áp dụng thực hiện giải quyết có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; trong việc triển khai thực hiện luôn tìm tòi, đề xuất những giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công việc; phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về thủ tục giải quyết cư trú, báo cáo đề xuất với lãnh đạo đơn vị, tham mưu đề xuất với cấp trên có chỉ đạo kịp thời để nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Kết quả, qua 10 năm thực hiện Luật Cư trú, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết đăng ký, quản lý và cấp 238.788 sổ hộ khẩu, 27.073 sổ tạm trú, 83.137 nhân khẩu tạm vắng. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực, lao động từ nơi khác đến địa bàn tỉnh Nghệ An lao động và học tập được thuận lợi. Mặt khác, qua công tác quản lý nhân, hộ khẩu, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình từng hộ, từng người, nắm 4 nội dung về nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện, hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn. Đồng thời, thông qua công tác đăng ký quản lý cư trú đã phục vụ công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ với hàng nghìn lượt thanh niên đảm bảo tiêu chuẩn và đúng đối tượng chính sách.
Ngoài ra, thông qua công tác quản lý cư trú, nhân dân đã tự giác thông báo lưu trú cho cơ quan Công an 690.598 lượt, trong đó thông báo trực tiếp 388.143 lượt, thông báo qua điện thoại 280.356 lượt và thông báo qua mạng internet 22.099 lượt. Thông qua công tác đăng ký quản lý cư trú, Công an các phường đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thực hiện phân loại nhân khẩu và lập danh sách quản lý các loại đối tượng.
Trong 10 năm qua, công tác quản lý lưu trú đã góp phần cùng các lực lượng chức năng đưa 3.249 đối tượng vào diện sưu tra, phối hợp bắt giữ 535 đối tượng có lệnh truy nã; phát hiện 108 đối tượng trốn thi hành án; lập hồ sơ đưa 2.290 đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc; phát hiện 35 trường hợp người nước ngoài vi phạm; phát hiện 495 vụ việc vi phạm tệ nạn xã hội. Thông qua công tác kiểm tra, lực lượng Công an đã xử phạt hành chính 41.133 trường hợp vi phạm. Trong đó, phạt cảnh báo 5.063 trường hợp, phạt tiền 36.070 trường hợp với tổng số tiền 8,1 tỉ đồng, huỷ đăng ký tạm trú 153 trường hợp, 414 nhân khẩu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý lưu trú trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Một số người dân chưa chấp hành các quy định về Luật Cư trú; công tác trao đổi thông tin giữa người dân với lực lượng Công an chưa chặt chẽ; một số hộ dân có hộ khẩu tại địa phương nhưng không cư trú trên thực tế; số người tạm trú thường thay đổi chỗ ở không thông báo nên khó khăn trong việc quản lý và nắm bắt thông tin; một số địa phương, cán bộ được phân công trực tiếp làm công tác này lúc đầu vẫn còn lúng túng khi áp dụng thực hiện một số nội dung cụ thể vào thực tế; một số nơi chưa tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng cho cán bộ đăng ký, quản lý ở cơ sở, một số cán bộ làm công tác đăng ký cư trú còn ngại nghiên cứu các quy định, quy trình; chưa kịp thời bổ sung tăng cường cán bộ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ và chỉnh trang lại nơi tiếp dân, làm việc của bộ phận đăng ký, quản lý cư trú.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Cư trú, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành; kịp thời thông tin báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, khắc phục tình trạng không nắm được thông tin, số liệu đăng ký cư trú tại cơ sở, chấp hành chế độ thông tin báo cáo không nghiêm. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nội dung cụ thể của Luật Cư trú tại cơ sở; đánh giá những mặt làm được, những vấn đề tồn tại, thiếu sót để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Gắn nội dung công tác này với thực hiện CCHC, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng của nhân dân.
.