Pháp luật

Ngày càng nhiều đối tượng phạm tội mua bán người qua mạng xã hội

08:49, 24/08/2018 (GMT+7)
 
TIN LIÊN QUAN
Thông tin trên được đưa ra trong Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 23/8.
 
Báo cáo tại phiên giải trình, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trong thời gian qua xảy ra nạn mua bán người, có dấu hiệu ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
bannguoi.jpg
Ảnh minh họa
Loại tội phạm này chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm 85% số vụ mua bán người), tập trung qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia, Lào. Trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%, sang Lào và Campuchia chiếm khoảng 11%, còn lại là mua bán người sang một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Nga bằng đường bộ, đường không và đường biển.
 
Trong giai đoạn 2012-2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can (chiếm trên 97% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý). Đã kết luận điều tra, chuyển VKSND các cấp đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.
 
Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...
 
Đánh giá tình hình tội phạm mua bán người thời gian qua, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia.
 
Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
 
Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn, kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm, thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng, bởi đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài, xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân...
 
Bên cạnh đó, Luật Phòng chống mua bán người có hiệu lực đã hơn 6 năm nhưng đến nay các bộ ngành chức năng chưa tham mưu Chính phủ ban hành nghị định trên cơ sở đó ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
 
Trên cơ sở báo cáo của các Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp về áp dụng pháp luật phòng chống mua bán người, Thường trực Ủy ban Tư pháp chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong công tác này. Cụ thể: công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người có nơi, có lúc chưa nhận được sự quan tâm đúng mức; sự phối hợp liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân chưa chặt chẽ, đặc biệt trong cung cấp, trao đổi thông tin dẫn đến hiệu quả xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn thấp và chưa kịp thời; kinh phí dành cho công tác này còn hạn hẹp; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hình thức.

Nguồn: Nhật Thy/Tiengchuong.vn

Các tin khác