Pháp luật
Đừng để sai một ly, đi một dặm
09:04, 13/08/2018 (GMT+7)
Tai nạn giao thông (TNGT) không chừa một ai, không chừa một không gian địa lý nào. TNGT, trong đó có tai nạn xe khách, xe hợp đồng thật khôn lường. Nó xảy ra, kéo theo đó là bao nỗi đau, bao mất mát.
Vậy đâu là giải pháp đẩy lùi vi phạm, TNGT xe khách, xe hợp đồng đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay? PV Chuyên đề CSTC đã tìm hiểu về vấn đề này.
Ám ảnh những vụ tai nạn kinh hoàng
Nhắc đến vụ TNGT thảm khốc xảy ra trên tuyến QL1A đoạn thuộc xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào ngày 30-7 vừa qua, nhiều người không khỏi bàng hoàng và xót xa trước hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do vụ tai nạn để lại.
13 người đi trên chiếc xe đón dâu đã mãi không trở về. Ngày đại hỷ đã trở thành ngày đại tang. Khoảng 2h30 cùng ngày, ôtô mang BKS 75B-000.52 do anh Lê Ngọc Cương (ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa – Thiên Huế) điều khiển có chở theo 17 người xuôi theo hướng Quảng Trị đi Bình Định để đón dâu.
Khi đến đoạn đường trên đã xảy ra va chạm với xe container mang BKS 51D-411.21 kéo theo rơ – moóc mang BKS 51R-215.75 chạy hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến chú rể - anh Nguyễn Khắc Long cùng 12 người khác trên xe ôtô tử vong và 4 người bị thương nặng.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân không may tử nạn sau khi vụ tai nạn xảy ra; đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thăm hỏi, động viên nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn, phối hợp và hỗ trợ gia đình nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn sớm bàn giao và đưa thi thể người bị nạn về quê mai táng.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện, đề ra các giải pháp khắc phục, ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự v.v..
Hiện trường vụ TNGT khiến 13 người bị chết và 4 người bị thương nặng ở Quảng Nam.
Hiện trường vụ TNGT khiến 13 người bị chết và 4 người bị thương nặng ở Quảng Nam. |
Vụ TNGT thảm khốc trên thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hậu quả khôn lường đi kèm với tai nạn xe khách, xe hợp đồng trong thời gian trở lại đây. Bởi, khi TNGT xe khách, xe hợp đồng xảy ra, thiệt hại về người và tài sản luôn khiến dư luận không khỏi đau xót.
Nhiều gia đình chỉ sau một đêm đã mất đi người thân. Người vợ mất chồng, người con mất bố… Không có ngôn từ nào có thể tả xiết mất mát do TNGT để lại.
Liên quan đến vấn đề này, cách đây không lâu, khoảng 5h30 ngày 22-7-2018, khi lưu thông đến Km 250+400, quốc lộ 3 (QL3), đoạn qua xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), xe ô tô khách mang BKS 17K-8496 do Trần Văn Thắng (30 tuổi, ở huyện Kiến Xương, Thái Bình) điều khiển đã rơi xuống vực sâu khoảng 50m làm 4 người chết và 16 người bị thương.
Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ từ phía các cơ quan chức năng, song qua thực tiễn cho thấy, số vụ TNGT, trong đó có tai nạn xe khách, xe hợp đồng đang có chiều hướng gia tăng. Công tác phòng ngừa vi phạm, đẩy lùi số vụ TNGT thương tâm đã và đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với PV Chuyên đề CSTC về vấn đề này, Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT – Cục CSGT (Bộ Công an) tỏ ra lo lắng trước những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong một thời gian ngắn trở lại đây.
Theo Đại tá Trần Sơn cho biết, bình quân mỗi ngày, TNGT đã cướp đi sinh mệnh của trên dưới 20 người. Hậu quả do TNGT để lại thật khôn lường.
Thống kê của Cục CSGT cho thấy, chỉ tính riêng trong 3 ngày (từ 28 đến ngày 30-7-2018), cả nước đã xảy ra 63 vụ TNGT đường bộ làm chết 58 người, bị thương 33 người. Nhìn vào con số trên, câu hỏi đặt ra: Lẽ nào chúng ta lại bất lực với TNGT?.
Thử tìm nguyên nhân gây ra tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn xe khách khiến 4 người chết và 16 người bị thương ở Cao Bằng (ảnh: Võ Văn). |
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra TNGT như: hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá xuống cấp, thời tiết xấu, lỗi kỹ thuật của phương tiện… nhưng đánh giá của Cục CSGT cho thấy, thời gian qua, nguyên nhân gây ra TNGT chiếm đa phần là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông (chiếm từ 70%-80%).
Điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường, phần đường; chuyển hướng không đảm bảo an toàn, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện dẫn đến không làm chủ được tay vô lăng… là những nguyên nhân chính gây ra TNGT, trong đó có tai nạn xe khách, xe hợp đồng trong thời gian qua.
Có mặt trên một số tuyến quốc lộ (QL) trọng điểm liên tỉnh như: QL1A (qua tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh), QL6 (qua tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên), QL2 (qua tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang), QL32 (qua tỉnh Yên Bái, Lai Châu) v.v... không khó để bắt gặp hình ảnh những cuộc đua tốc độ của các “hung thần” xe khách, xe hợp đồng.
Nhiều tài xế xe khách bất chấp nguy cơ tai nạn chực chờ, phóng nhanh, vượt ẩu, đón trả khách không đúng quy định khiến người điều khiển phương tiện lưu thông trên tuyến phải giật mình thon thót, vì không biết va chạm, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Những vi phạm về quá tốc độ, lấn làn đường, dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định trên các tuyến QL, nhất là đối với các tuyến đường có nhiều khúc cua “tử thần” qua địa bàn miền núi phía Bắc luôn khiến số vụ TNGT lơ lửng trên đầu.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT – Công an tỉnh Hòa Bình khi đề cập đến những khúc cua “tử thần” như: dốc Cun, đèo Thung Khe, Thung Nhuối, đèo Đá Trắng… trên tuyến QL6 đi qua địa bàn đã khẳng định, dù cơ quan chức năng đã cho lắp đặt hệ thống cảnh báo nguy hiểm ở các khúc cua gấp khúc, đèo dốc hiểm trở, nhưng do một số tài xế chủ quan, thiếu ý thức, phớt lờ biển cảnh báo điều khiển phương tiện với tốc độ cao, lấn làn đường… khiến số vụ TNGT trên dọc tuyến QL này thời gian qua luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Cùng quan điểm trên, Đại tá Trần Sơn cho rằng, trong quá trình điều khiển phương tiện, trong đó có xe khách, xe hợp đồng, việc tài xế không chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Đặc biệt đối với các tuyến đường đèo dốc, có nhiều khúc cua “tử thần”.
Những tuyến đường này luôn khiến tầm nhìn của tài xế bị hạn chế, nếu không chủ động nhường đường, chấp hành tốc độ, phần làn đường sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn.
Đơn cử như vụ tai nạn xe khách trên ở tỉnh Cao Bằng nêu trên. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố vụ án hình sự về vi phạm quy định về tham gia giao thông và ra lệnh tạm giữ hình sự đối với tài xế xe khách Trần Văn Thắng (30 tuổi, ở huyện Kiến Xương- Thái Bình) để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
CSGT tuần tra kiểm soát, nhắc nhở lái xe chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. |
Không lái xe liên tục quá 4 giờ
Có thể thấy, tình hình TNGT liên quan đến xe khách, xe hợp đồng đang có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong. Việc tài xế xe khách, xe hợp đồng không chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra TNGT rất đáng lên án. So với các loại phương tiện khác, xe khách, xe hợp đồng chở khách có nét đặc thù riêng.
Vì không chỉ là phương tiện thông thường, phía sau vô lăng là tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Do vậy, ngoài kỹ năng lái xe, tài xế còn phải được nâng cao trình độ kiến thức, đạo đức nghề nghiệp lái xe. Vậy đâu là giải pháp đẩy lùi vi phạm, TNGT thương tâm trong thời gian tới?
Đại tá Trần Sơn nêu ý kiến, việc nâng cao văn hóa giao thông, ý thức, đạo đức người lái xe là rất quan trọng. Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bản thân mỗi tài xế phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và hành khách, không sử dụng rượu, bia, không lái xe khi buồn ngủ, không vừa lái xe vừa làm việc riêng.
Trong quá trình vận tải hành khách, tài xế cần tuân thủ Luật Giao thông (không phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định, lấn làn đường v.v..); chủ động nhường đường cho các phương tiện, nhất là tại các cung đường đèo dốc; không lái xe quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.
Lẽ vì, nếu lái xe quá giờ quy định sẽ khiến tài xế rơi vào trạng thái mỏi mệt, buồn ngủ, dẫn đến không tập trung trong quá trình điểu khiển phương tiện, không làm chủ được vô lăng.
Qua tìm hiểu thực tế cũng như trao đổi với một số chuyên gia về lĩnh vực TTATGT, chúng tôi nhận thấy, để kiềm chế vi phạm, TNGT, trong đó có tai nạn xe khách, xe hợp đồng, cùng với công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT, các cơ quan chức năng nên mở đợt ra quân, rà soát các hoạt động kinh doanh vận tải (vận tải hàng hóa, vận tải hành khác).
Kiên quyết xử lý các cơ sở, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, có tỷ lệ lái xe vi phạm cao. Đồng thời, bổ sung thêm các nội dung về đào tạo đạo đức lái xe, đảm bảo việc “học thật, thi thật”, kết hợp với việc nâng cao chất lượng công tác kiểm định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện.
Đưa ra xét xử điểm, lưu động đối với những trường hợp tài xế điều khiển phương tiện gây ra TNGT nghiêm trọng, qua đó tạo hiệu ứng tuyên truyền, tăng tính răn đe đối với các trường hợp đã và đang có suy nghĩ cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Nguồn: Trần Huy/CAND