Pháp luật

Đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam

08:16, 16/07/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Tự do, dân chủ, nhân quyền luôn là khát vọng của con người. Lịch sử thế giới cho thấy không chỉ cuộc đấu tranh cải thiện đời sống vật chất, chống đói nghèo, thất nghiệp mà cả cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng lôi cuốn hàng trăm, hàng ngàn triệu người.
 
Ngày nay, đối với nhiều quốc gia, dân tộc, tự do, dân chủ, nhân quyền đang là một mục tiêu chính trị và do đó trở thành một động lực quan trọng thôi thúc họ đấu tranh, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân và tiến bộ xã hội thực sự.
 
Gần đây trên các trang mạng xã hội faceboock các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị tự xưng là “đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền”, cái gọi là “Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch” đã lợi dụng một số đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng xử lý để để tung ra những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Họ vu cáo: “Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền”...
 
Họ trích dẫn một vài sự việc ở đâu đó cho có vẻ khách quan, rồi khẳng định: “người dân Việt Nam chưa bao giờ có tự do, dân chủ, nhân quyền”. Human Rights Watch viện dẫn một số vụ việc gây rối ở một số nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh,…bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng tổ chức này không hiểu gì về thực chất của vụ việc.
 
Bởi vì, thông tin mà Human Rights Watch tung lên mạng xã hội xem ra có vẻ khách quan, dễ đánh lừa vào lòng tin của nhân dân ta, song đằng sau những lời bình luận sai trái, thù địch của họ lại không đúng sự thật và không thể tin được âm mưu thâm độc của nó. Thực chất nội dung bài viết này là cố tình xuyên tạc tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, xoá bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tán dương cổ súy nền dân chủ tư sản phương Tây.
 
Tính chất nguy hiểm của âm mưu, thủ đoạn này biểu hiện ở chỗ, nó dễ gây nên sự hoài nghi, ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức về giá trị tự do, dân chủ, dễ gây nên sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhẹ dạ, tin vào những thông tin mà tổ chức Human Rights Watch nêu ra. Họ thường lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta vi phạm “tự do, dân chủ”, “nhân quyền”, chống phá Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam. Để thực hiện âm mưu, thủ đoạn đó họ không từ một thủ đoạn nào.
 
Với những luận điệu xuyên tạc sự thật về: “Tự do, dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam của tổ chức Human Rights Watch đưa ra một số đánh giá không khách quan, thông tin sai lệch. Họ xuyên tạc một cách trắng trợn tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định, tất cả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội đều là xuyên tạc, bóp méo sự thật về đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và lực lực lượng vũ trang. Mục tiêu cuối cùng của họ là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; và đòi “đa nguyên, đa đảng đối lập”; họ muốn Đảng Cộng sản Việt Nam thôi giữ vai trò lãnh đạo đối với giai cấp, dân tộc và xã hội, họ yêu cầu đảng phải “đổi mới thể chế chính trị”, đòi nhường quyền lãnh đạo dân tộc và xã hội cho một “lực lượng chính trị mới”.
 
Tuy nhiên dù họ có đòi hỏi, “bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc” đến đâu thì họ cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng Việt Nam là một nước luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, dân chủ, nhân quyền. Điều này được thể hiện ngay trong hệ thống quan điểm, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn hoạt động tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
 
Để hiểu rõ hơn về “Tự do, dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam, chúng tôi xin nêu một vài vấn đề để chúng ta cùng nghiên cứu, suy ngẫm thực tế “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam như thế nào.
 
Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập - Nhà nước Công - Nông đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, toàn dân Việt Nam được đi bầu cử tự do năm 1946 với hình thức phổ thông đầu phiếu, nhân dân ta từ thân phận nô lệ, tôi tớ đã được hưởng quyền làm chủ thực sự và ngày càng được phát huy trong quá trình xây dựng xã hội mới; chế độ dân chủ đó “gấp triệu lần” hơn hẳn bất cứ chế độ dân chủ nào trong lịch sử. Nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức đứng lên làm chủ, tự mình tổ chức, cai quản và xây dựng đất nước.
 
Ngay sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ trương xây dựng Hiến pháp, biểu hiện đầu tiên của một Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới, phù hợp với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nước ta, là một mốc son quan trọng đánh dấu quá trình bắt đầu xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, vì nhân dân và do nhân dân làm chủ.
 
Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp là bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền. Để thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”[1].
 
Điều đó tiếp tục được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn đúng đắn và có sức thuyết phục. Biểu hiện ở chỗ, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng và vì lợi ích của nhân dân. Nhân dân lao động làm chủ và được phát huy cao độ tính tích cực, tự giác của mình, sức lao động được giải phóng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Thứ hai, ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo ngày càng cao, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội của Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 9/135 nước trên thế giới. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn trong các kỳ họp của Quốc hội; việc thực hiện đối thoại, các cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri … những điều này cho thấy Đảng, Nhà nước ta đã tạo điều kiện tốt nhất để cho mỗi người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua tự do, dân chủ học tập và dân chủ gián tiếp.
 
Điều đó thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ dân chủ ở Việt Nam, thể hiện rõ mục tiêu, động lực của dân chủ xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển đất nước.
 
Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định yêu cầu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân” và “bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”. Đồng thời, Đảng cũng khẳng định việc “phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
 
Bản chất tốt đẹp và tính chất ưu việt đó không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của biết bao mồ hôi công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam, chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, giữ gìn và phát huy trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 
Tóm lại, những nội dung đề cập của Tổ chức Human Rights Watch là hoàn toàn sai với thực tế ở Việt Nam, đó là những luận điệu sai trái, bóp méo, xuyên tạc sự thật vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Những luận điệu mà Tổ chức Human Rights Watch đưa ra là bịa đặt, xuyên tạc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và hòng xoá bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam của các tổ chức, cá nhân thù địch.
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H. 2016, tr. 169.
 
Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân - Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng

Nguồn: CAND

Các tin khác