Pháp luật
Hãy tỉnh táo, tránh bị lợi dụng
(Congannghean.vn)-Xác định là một chủ trương lớn, quan trọng, trong đó có nội dung lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nên trong suốt quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo cũng như thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã rất cân nhắc, cẩn thận khi trình bày các quan điểm, ý kiến khách quan, nhiều chiều về Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt. Trong đó, đảm bảo sự hài hoà giữa việc tạo động lực để kinh tế phát triển gắn với thực hiện an sinh xã hội, giữ vững ANTT luôn là mục tiêu cao nhất.
Lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt
Với 85,63% đại biểu có mặt tán thành, sáng 11/6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHC-KTĐB) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu, đây là Dự án Luật mới chưa có tiền lệ. Bối cảnh quốc tế, tình hình khu vực có nhiều phức tạp, trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung của Dự án Luật. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia và dư luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng cân nhắc nhiều mặt. Đặc biệt, đối với quy định cho thuê đất 99 năm, áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, Luật sẽ không quy định trường hợp kéo dài cho 99 năm. Trước đó, vào ngày 9/6, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết và thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Dự án Luật ĐVHC-KTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế hóa phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá đây là dự án luật khó, phức tạp, trong đó có nội dung lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Việc xây dựng dự thảo luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng một số ĐVHC-KTĐB với thể chế vượt trội để tạo sự tăng trưởng và tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các ĐVHC-KTĐB.
Ngoài ra, đáp ứng các yêu cầu khác như xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thu hút đầu tư, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, các vấn đề chuyển tiếp bộ máy hiện hành với bộ máy mới của đặc khu... Mục tiêu đặt ra là việc ban hành luật giúp tạo động lực mới cho sự phát triển, xây dựng niềm tin và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Xây dựng Dự án Luật đáp ứng tinh thần cải cách về thể chế nhằm đổi mới và tạo bước đột phá về kinh tế trong những năm tới, đảm bảo tính vượt trội, tính cạnh tranh quốc tế, tuân thủ tinh thần Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Việc lùi thông qua Dự án Luật nhằm đảm bảo Dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững quốc phòng - an ninh và chủ quyền quốc gia. Đồng thời, thể hiện tinh thần cầu thị nghiêm túc, ứng xử đúng đắn của các cấp thẩm quyền trước những phản biển của cử tri và nhân dân. Và khẳng định một điều rõ ràng: Người dân đã thực sự tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Mọi quyết định hệ trọng của đất nước thực sự hội tụ tinh hoa trí tuệ, tâm huyết của lương tri, trách nhiệm của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Hãy là một người dân yêu nước chân chính
Thực ra, câu chuyện về việc xây dựng đặc khu kinh tế không còn quá mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc) và Dubai (các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UEA)… Đây đều là những nơi đã có sự phát triển vượt bậc khi tạo cơ chế, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Với quốc gia như Việt Nam, việc xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định là điều hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động như hiện nay.
Trên thực tế, ngay khi trình Dự thảo, Dự án Luật đã thu hút sự quan tâm của rộng rãi dư luận. Sự quan tâm là hết sức bình thường, bởi mỗi văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua và ban hành không chỉ phải đảm bảo sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội mà phải cần sự đồng thuận của đa số nhân dân, nhất là những văn bản trực tiếp liên quan đến quốc phòng - an ninh, chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân…
Thế nhưng, sự quan tâm tích cực đó lại phần nào bị lu mờ bởi những hành động bột phát, bị kích động. Nhân cơ hội, các thế lực thù địch và một số đối tượng phản động đã kích động, tuyên truyền luận điệu, xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Điều này được thể hiện một cách khá tinh vi: Về nội dung cho thuê đất 99 năm đã được biến thành cho Trung Quốc thuê đất, đánh tráo khái niệm ĐVHC-KTĐB thành “tô giới”, ghép hình ảnh người dân Việt Nam mừng U23 chiến thắng thành “đoàn người xuống đường biểu tính phản đối về Luật đặc khu”…
Tất nhiên, mạnh mẽ và liên tục nhất trong các hoạt động chia sẻ, ủng hộ, không ai khác, là những đối tượng quá khích, từng xuất hiện nhiều lần trong các điểm tập trung, gây phức tạp về tình hình ANTT. Thật khó để tin rằng, những kẻ này lại là đại diện cho trí tuệ, lương tri, trách nhiệm của người dân Việt Nam. Chúng đánh vào tâm lý của những người dân nhẹ dạ cả tin, trong đó tập trung là học sinh, sinh viên, công nhân lao động ở các khu công nghiệp. Và dĩ nhiên, như mọi lần, các trang mạng xã hội đã “đóng góp nhiệt tình” trong việc kêu gọi biểu tình bất hợp pháp, biến những người dân nhẹ dạ trở thành công cụ để chúng thực hiện mưu đồ đen tối.
Trở lại với nội dung cốt lõi của Dự án Luật ĐVHC-KTĐB là thời hạn sử dụng đất. Ngay trong sáng 9/6, Văn phòng Chính phủ đã phát thông cáo báo chí về Dự án Luật ĐVHC-KTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Tuy nhiên, trước những lời kêu gọi trên mạng xã hội, vào ngày 10/6, tại một số nơi, một bộ phận người dân đã tụ tập phản đối Dự án Luật ĐVHC-KTĐB. Một câu hỏi đặt ra là họ phản đối điều gì, khi trước đó đã có thay đổi, điều chỉnh? Và người tham gia, không ai khác là những người dân nhẹ dạ, dễ bị kích động, để các đối tượng xấu kích động, lợi dụng đánh tráo khái niệm, cho rằng tham gia biểu tình là thể hiện lòng yêu nước, biến thành công cụ của họ trong việc chống phá Nhà nước. Đáng chú ý, tại một số địa điểm, những trẻ em, học sinh tiểu học, chưa biết rõ về khái niệm “Dự án Luật”, càng chưa được nghe một lần để hiểu về tờ giấy mình cầm trên tay, cũng được huy động tham gia. Sự hồn nhiên, ngây thơ của lứa tuổi học trò, lại bị lợi dụng vào mục đích đen tối của những kẻ giật dây đứng sau. Chỉ cần nghe qua, dụ dỗ, không cần hiểu rõ về Dự án Luật, càng không chịu tìm hiểu về nội dung mà mình cầm tờ giấy phản đối, họ tham gia một cách thiếu hiểu biết.
Việc người dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự án Luật là rất cần thiết, đáng quý, nhất là với một dự án Luật lớn, quan trọng như Dự án Luật ĐKKT-HCĐB. Việc Quốc hội, Chính phủ lắng nghe ý kiến nhiều chiều của cử tri, người dân thể hiện tinh thần cầu thị, vì mục tiêu chung. Mọi ý kiến khách quan đều được ghi nhận, tiếp thu. Tuy nhiên, dù làm việc gì, ở đâu, người dân cũng phải chấp hành, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Chúng ta có quyền thể hiện lòng nhiệt thành, tâm huyết đến công việc chung của đất nước, nhưng cũng cần có trách nhiệm với tình yêu đó. Tình cảm được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt sẽ làm tăng sức mạnh cho đất nước, dân tộc, nhưng tình hình sẽ ngược lại nếu bị kẻ xấu lợi dụng.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã hun đúc cho người Việt Nam nhiều phẩm chất đáng trọng, trong đó, lòng yêu nước là cội nguồn sức mạnh để dựng xây và phát triển đất nước, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Nhưng biểu thị lòng yêu nước như thế nào, đúng đắn, chân chính, vì mục tiêu chung phát triển hay để kẻ xấu lợi dụng, gây chia rẽ dân tộc, biến thành động cơ vi phạm pháp luật, lại rất cần ở sự tỉnh táo, cẩn trọng.
Trần Lâm