Pháp luật
Báo chí góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí
07:42, 07/06/2018 (GMT+7)
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước...
Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng”, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về: đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Luật Phòng, Chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí,…
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Từ việc phản ánh, góp ý phản biện trong xây dựng hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhiều bài báo còn phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng lớn, góp phần cùng các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết nghiêm minh.
Ảnh minh họa |
Theo đó, “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”.
Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập, nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sửa chữa kịp thời.
Những năm qua, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã nêu rõ những biểu hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong sử dụng quyền lực, đó là: “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để tham ô, tham nhũng; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”1.
Các loại hình báo chí, nhất là báo cách mạng đã thực sự trở thành lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội. Các bài viết không chỉ đơn thuần thông tin về các hiện tượng, các biểu hiện của vấn nạn suy thoái, tham nhũng mà đã đi sâu phân tích, lý giải sắc bén, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như bản chất, tác hại khôn lường của vấn nạn tham nhũng với những biểu hiện muôn màu, đủ loại tinh vi và trắng trợn của nó.
Đồng thời chỉ ra những giải pháp mang tính căn cơ và đồng bộ giúp cho Đảng, Nhà Nước khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong hoạch định chính sách; trong cơ chế quản lý, điều hành; trong rèn luyện, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ...”.
Báo chí đã được nhân dân đồng thuận tin tưởng hết sức quan tâm, bởi lẽ nó phản ánh đúng những bức xúc đang bị dồn nén bởi nạn tham nhũng gây ra; báo chí đã “tiếp lửa” và thực sự là chỗ dựa cho quần chúng trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của mỗi người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Với quan niệm báo chí cách mạng cũng là mặt trận chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng,…”2.
Tại lễ trao Giải báo chí toàn quốc đầu năm 2018: Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở.
Hàng nghìn tác phẩm báo chí viết về đề tài này, nhất là các tác phẩm được trao giải là minh chứng sinh động về vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” hết sức cam go, phức tạp, nhưng nhất định thắng lợi.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí cả nước đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kịp thời phản ánh một cách chân thực những yếu kém, tiêu cực tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời cổ vũ nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của báo chí, đặc biệt coi trọng tính khách quan chân thực, tính chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của báo chí, quản lý của các cơ quan tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ người làm báo có năng lực chuyên môn sâu, kiến thức pháp luật vững và đạo đức nghề nghiệp thông thạo, phát huy sức mạnh to lớn của báo chí cách mạng để hướng lái tốt mục tiêu của truyền thông.
Đặc biệt, để tránh lạm dụng quyền lực trong truyền thông, cần chú ý quản lý chặt chẽ hoạt động tác nghiệp điều tra của phóng viên báo chí, nhất là việc thực hiện các thủ thuật nghiệp vụ điều tra bí mật để thu thập thông tin, tài liệu về các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, các sai phạm trong thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý và việc sử dụng các thông tin, tài liệu đó trong truyền thông.
Với trang giấy, ngòi bút của mình, đội ngũ những người làm báo cần cổ vũ những nhân tố mới, khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, đồng thời tích cực đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, chống các bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Luôn nêu cao tinh thần chiến đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, giữ vững phẩm chất, đạo đức của những người làm báo, có tính chủ động, sáng tạo thể hiện qua các tác phẩm báo chí để góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
************************
1. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tường chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Nxb CTQG,H. 2005, tr. 616.
PGS, TS Trần Nam Chuân
Nguồn: CAND