Pháp luật

Khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai

08:17, 05/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Song song với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai thời gian qua tiếp tục được tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo sát sao; qua đó thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong thực trạng tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, nhận thức của cộng đồng còn hạn chế thì quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai
Tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai

Tính đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh có 6.901 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 21/21 huyện, thành, thị, 376/480 xã, phường, thị trấn có ma túy, trong đó có 141 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy. Người nghiện sử dụng ma túy đa phần là thuốc phiện và hêrôin nhưng thời gian gần đây, số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, Nghệ An có 8 trung tâm có chức năng cai nghiện và quản lý cai nghiện với quy mô hơn 1.700 học viên.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai trên địa bàn, chủ động tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, nhân lực cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai; kịp thời tham mưu các giải pháp, biện pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh.

Với sự nỗ lực đó, năm 2017, toàn tỉnh đã phối hợp lập hồ sơ cai nghiện và tổ chức cai nghiện cho 2.272 người nghiện ma túy, trong đó có 1.047 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, 340 người cai nghiện tự nguyện và 885 người cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm. Với kết quả này, Nghệ An xếp thứ hai cả nước về công tác cai nghiện.

Bên canh đó, đã duy trì và mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế methadone theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện, toàn tỉnh có 12 cơ sở điều trị và 6 cơ sở cấp phát thuốc methadone, có 2.832 bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị. Công tác quản lý người nghiện ma túy sau cai tại nơi cư trú được các địa phương triển khai thực hiện nhằm hạn chế tái nghiện và hòa nhập cộng đồng bền vững.

Năm 2017, 100% số người đã cai nghiện ở các trung tâm hòa nhập cộng đồng đều được quản lý tại nơi cư trú. Các địa phương đã phân công các đơn vị, tổ chức đoàn thể phối hợp với gia đình tham gia quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số người sau cai nghiện thành công tại các địa phương 3 năm trở lên là 67 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cai nghiện và quản lý sau cai vẫn còn tồn tại những hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật mặc dù được quan tâm chỉ đạo nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Cơ sở vật chất, nhân lực có chất lượng để phục vụ công tác cai nghiện tại cộng đồng còn thiếu, nhất là thành viên tổ công tác cai nghiện tại cấp xã hầu như kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Trong công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, tình trạng bỏ điều trị của người nghiện ma túy tương đối nhiều do chi phí, điều kiện đi lại hạn chế… nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ để người nghiện ma túy sau cai được tiếp cận và vay vốn do thủ tục vay còn nhiều vướng mắc.

Trước những bất cập nói trên, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai đạt kết quả cao, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, bản thân, gia đình, dòng họ và toàn xã hội.

Phan Tuyết

Các tin khác