Pháp luật
Sự thật về vụ Chủ tịch UBND huyện tát tiểu thương
(Congannghean.vn)-Sau vụ việc Nguyễn Thị Loan (38 tuổi) trú tại thị trấn Hương Khê hắt tiết lợn lên người Chủ tịch UBND huyện đã bị khởi tố, đến thời điểm này xuất hiện thêm một số thông tin cho rằng, trước đó ông chủ tịch đã có hành động tát vào mặt một tiểu thương. Tuy nhiên, lời khai của một số tiểu thương có liên quan tại cơ quan điều tra Công an huyện Hương Khê cho thấy, sự thật hoàn toàn trái ngược.
Chủ tịch UBND huyện và Đoàn kiểm tra liên ngành bị tiểu thương hắt tiết lợn (ảnh cắt từ clip) |
Lâu nay, trên địa bàn huyện Hưng Khê, tình trạng buôn bán thịt lợn không qua lò giết mổ tập trung, không đảm bảo các yêu cầu về ATVSTP ở chợ Sơn diễn ra khá phổ biến. Trước yêu cầu đảm bảo ATVSTP, ngày 11/4/2017, UBND huyện Hương Khê thành lập Đoàn liên ngành theo QĐ số 2523 /QĐ-UBND. Đã nhiều lần, Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý nhưng nhiều hộ tiểu thương vẫn không tự giác chấp hành, thậm chí có hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Theo tài liệu tại cơ quan điều tra, khoảng 3 giờ ngày 9/2/2018, Tổ công tác của Đoàn liên ngành gồm: Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê; Trung tá Hà Hải Long, Phó Trưởng Công an huyện; Đại úy Lê Văn Hiền, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP Kinh tế - Ma túy, Công an thị trấn Hương Khê và các phòng ban của UBND huyện tiến hành kiểm tra việc giết mổ tại chợ Sơn.
Tại thời điểm này, một số người dân mang thịt lợn không có dấu kiểm dịch nên bị Đoàn liên ngành đóng cổng không cho phép đưa vào chợ. Lúc đó, các tiểu thương tụ tập ở cổng chợ rất đông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT. Đến khoảng hơn 4 giờ, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện có mặt tại chợ trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm tra. Ông Huấn đề nghị bà con tiểu thương có thịt lợn chưa được kiểm dịch phải lên UBND thị trấn Hương Khê viết cam kết mới được đưa vào chợ, nếu lần sau tái phạm sẽ bị tịch thu. Sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, một số tiểu thương chấp hành, còn một số khác vẫn ngoan cố chờ đến lúc mở cổng thì ùa vào.
Đến khoảng 5 giờ 40 phút, ông Lê Ngọc Huấn cùng Đoàn liên ngành tiếp tục đi kiểm tra thì tiểu thương Trần Thị Hiền chạy đến níu tay ông Huấn hỏi: Sao chú không trả tiền cho con? Mặc dù ông Huấn đã nói rằng vấn đề này không phải trả lời ở đây, đề nghị chị lên UBND huyện làm việc, nhưng chị Hiền vẫn níu tay ông Huấn rồi tạo cớ, hô hoán, vu khống cho lãnh đạo đánh dân. Lúc này, Nguyễn Thị Loan (38 tuổi) trú tại thị trấn Hương Khê, có quầy bán thịt lợn tại chợ, đã bất ngờ dùng chai đựng tiết lợn hắt thẳng vào người Chủ tịch UBND huyện và một số thành viên Đoàn liên ngành. Sau đó, trong khi những người có trách nhiệm vẫn giữ thái độ ôn hòa thì Loan lại “hùng hổ” bám theo và lớn tiếng chửi bới.
Thiếu tá Nguyễn Kim Khoa, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Hương Khê cho biết: Thời điểm đó, chợ Sơn khá đông. Mặc dù được CBCS và các hộ tiểu thương can ngăn nhưng Loan vẫn có hành động quá khích. Qua điều tra xác minh, cơ quan Công an xác định, hành vi lăng mạ, xúc phạm, dùng chai đựng tiết lợn hắt lên người ông Huấn và các thành viên trong Đoàn của Loan đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Thị Loan về tội "Làm nhục người khác". Còn đối với việc chị Trần Thị Hiền “tố” bị ông Huấn tát vào mặt, Trung úy Nguyễn Văn Luận, cán bộ trực tiếp thụ lý vụ án cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, tại cơ quan Công an, các tiểu thương đều khai báo không biết và không thấy việc Chủ tịch đánh dân như lời chị Hiền “tố”.
Trong khi đó, giữa lời khai của chị Loan và chị Hiền lại có sự mâu thuẫn, chồng chéo. Chị Loan cho rằng, do bức xúc khi thấy ông Huấn đứng đối diện và tát vào mặt chị Hiền nên mới có hành vi hắt tiết. Tuy nhiên, theo lời khai của chị Hiền tại cơ quan điều tra thì chị Hiền không nhìn thấy ông Huấn tát, chỉ có cảm giác như có một vật gì đó sượt qua tai từ phía sau nên mới hô hoán Chủ tịch đánh dân.
Đặc biệt, 2 ngày sau khi xảy ra sự việc hắt tiết lợn lên người Chủ tịch UBND huyện, Đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra tại chợ Sơn và bắt quả tang Nguyễn Văn Vịnh (SN 1973, là chồng của chị Trần Thị Hiền) trú tại xã Gia Phố về hành vi làm giả con dấu. Đối tượng bị bắt khi đang vận chuyển 2 con lợn đóng giả dấu kiểm dịch, với tổng trọng lượng hơn 130 kg đã giết thịt không qua lò giết mổ tập trung vào chợ Sơn tiêu thụ. Theo tài liệu cơ quan Công an cung cấp, năm 2015, đối tượng Nguyễn Thị Loan bị TAND huyện Hương Khê xử phạt 12 tháng tù về tội “Mua bán và tàng trữ hàng cấm” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng, hiện đã chấp hành xong nhưng chưa xóa án tích.
Đây không phải là lần đầu người đứng đầu chính quyền cấp huyện bị người dân xúc phạm, thậm chí là xâm hại. Những hành vi quá khích, kích động khi làm việc với cơ quan chức năng, bộ máy công quyền nếu không xử lý nghiêm minh sẽ tạo nên tiền lệ xấu để nhiều người tạo cớ kích động. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý những vụ việc như thế này nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Trong vụ việc cụ thể tại chợ Sơn, ngoài xử lý về mặt hình sự đối với Nguyễn Thị Loan, cơ quan Công an cũng cần điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm một số đối tượng khác để tránh tình trạng lợi dụng sự việc để kích động, chống đối.
Trung Thông - Thu Hường