Pháp luật

Tội phạm lưu hành tiền giả tràn về vùng quê

20:06, 31/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Càng gần Tết thì việc trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân tăng cao không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn. Lợi dụng đặc điểm này, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lưu hành tiền giả. Tại An Giang, mặc dù các ngành chức năng đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây lưu hành tiền giả, nhưng loại tội phạm này vẫn luôn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh trong thời gần đây.

Độc giả cần mở loa để nghe thuyết minh.

Đối tượng Trịnh Minh Tân, sinh năm 1964, trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vừa bị Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang khởi tố về hành vi "Lưu hành tiền giả". Qua quá trình điều tra xác định, chỉ trong khoảng 03 tháng, Tân đã 05 lần mua tiền giả loại polyme mệnh giá 50.000đ của Võ Văn Thanh, trú tại thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới. Sau đó đem tiêu thu trót lọt trên 22 triệu đồng tiền giả.

Đối tượng Trịnh Minh Tân khai nhận, tôi dùng tiền giả đi mua ở các tuyến đường của tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang, tôi mua carl điện thoại, thuốc đem về bán lấy tiền thật.

Trước đó, do làm ăn thua lỗ nên Đỗ Xuân Trịnh, sinh năm 1986, trú tại  huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã nảy sinh ý định lên mạng Internet tìm và đặt mua tiền giả tiêu thụ. Sau thời gian tìm hiểu trên mạng, Trịnh quyết định làm tiền giả mệnh giá 5.000đ. Sau khi làm được tiền giả Trịnh đem toàn bộ số tiền giả gửi về huyện Châu Phú, An Giang cho mẹ vợ là Trần Thị Tuyết Hường tiêu thụ. Chiều hôm sau, Hường rủ em ruột là Trần Thị Kim Tiến  lấy tiền thật kẹp với tiền giả đem ra chợ Châu Phú tiêu thụ thì bị lực lượng Công an bắt giữ.

Thiếu tá Phạm Hoang Tùng, Đội trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang cho biết, khi đi tiêu thụ, các đối tượng thường chia thành từng nhóm, có khoảng 02 người và sử dụng xe máy làm phương tiện. Một đối tượng đứng bên ngoài giữ tiền giả và làm nhiệm vụ cảnh giới, đối tượng còn lại cầm tiền giả có mệnh giá lớn vào các cửa hàng buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ ở vùng xâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, lợi dụng trời tối dùng tiền giả có các loại mệnh giá lớn để mua các mặt hàng có giá trị nhỏ. Để phân biệt tiền thật và tiền giả có rất nhiều cách khác nhau. Có thể dùng các loại máy móc chuyên dụng, cũng có thể nhận biết bằng cách biện pháp thông thường như nhận biết bằng mắt, màu sắc của tờ tiền giả đậm hơn hoặc nhạt hơn so với tiền thật. Các hoa văn trong tờ tiền giả thường không rõ mờ nhòe không sắc nét. Tiền giả không có độ nhám thường mỏng hơn so với tiền thật.

Để đảm bảo an toàn cho người dân trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa thời điểm cuối năm, bên cạnh việc vào cuộc của lực lượng Công an, thì người tiêu dùng cũng cần phải nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền, cũng như cảnh giác với những khách hàng lạ mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả.

Theo ANTV

Các tin khác