Pháp luật
Minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập 'Chìa khoá' kiểm soát tham nhũng
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ XII, vấn đề chống tham nhũng, lãng phí đang được cả xã hội quan tâm, trở thành diễn đàn sinh hoạt chính trị quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá, “thời gian qua, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội”. Cùng với việc xác định phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, Trung ương cũng đã chỉ ra các giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng đó là minh bạch tài sản, thu nhập và thu hồi tài sản.
Kê khai tài sản trung thực là giải pháp quan trọng hạn chế tham nhũng - Tranh minh họa |
Minh bạch tài sản, thu nhập được hiểu là việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và khi cần thiết được xác minh, kết luận. Đây là một trong các chế định về phòng ngừa tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012. Với mục tiêu là triệt tiêu động cơ kinh tế của hành vi tham nhũng, ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do tham nhũng gây ra. Vì vậy, để công cuộc phòng, chống tham nhũng thành công thì xây dựng, thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập và thu hồi tài sản tham nhũng được xem là căn cứ pháp lý và nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo Nghị định số 78 ngày 17/7/2013 và Thông tư 08 ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ, ban hành hướng dẫn thi hành quy định chi tiết về minh bạch tài sản, thu nhập thì đối tượng phải kê khai tài sản được quy định chi tiết. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rõ về việc thu hồi tài sản tham nhũng và nguyên tắc xử lý đối với tài sản tham nhũng sau khi thi hành bản án hình sự hoặc quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tiến hành tố tụng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Từ đánh giá của người đứng đầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham những có thể thấy, trong thời gian qua, “cuộc chiến” đã dành được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và chính người dân. Trong “phong trào đó, xu thế đó” luôn có sự đồng hành của không chỉ một cá nhân hay của một tổ chức nào mà là toàn xã hội, không phải đối diện với những hành động “đơn thương độc mã”. Để có được sự quyết tâm này chính là sự thẳng thắn, đánh giá thực chất, đúng bản chất của vấn đề, bởi trong chúng ta hơn ai hết đều nhận diện ra rằng, tham nhũng là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của đất nước và chế độ. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nhận thức được nguy cơ đó và đang quyết tâm hành động với một quyết tâm cao nhất khi có đội tiên phong dẫn đường và lãnh đạo hành động thực sự.
Thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tập trung thanh, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, có “nguy cơ” tham nhũng, nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các cá nhân, tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Điều đó chứng minh, Đảng ta đã và đang thực sự tiên phong và hành động có hiệu quả. Những kết quả quan trọng ghi nhận bước đầu đó chính là thành quả cách mạng của sự quyết liệt từ người đứng đầu Trung ương Đảng, của Ban chỉ đạo Trung ương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không một ai đứng ngoài cuộc.
Kết quả này được nhân lên như luồng gió mới tiếp thêm sức mạnh cho toàn xã hội, cùng với Đảng ta vượt qua khó khăn, tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Đây cũng chính là kết quả của quyết tâm và hành động chống tham nhũng thực chất, không né tránh, không có “vùng cấm”. Từ kết quả này, chúng ta có quyền tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự quản lý của Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới.
Châu Yên