Pháp luật
Đấu tranh chống những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng
09:16, 27/11/2017 (GMT+7)
Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Trong đó, Đảng ta chỉ rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng là nguy hiểm khôn lường.
Trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) thì các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị tự xưng là “nhà hoạt động xã hội”, là đảng viên “trung thành”, “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, tự cho mình cái quyền tung lên các trang mạng xã hội, các web, blog... những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng; họ phát tán những tài liệu, bài viết có nội dung tuyên truyền, nói xấu chế độ, với những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phản đối chủ trương, đường lối của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.
Họ cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là trở ngại duy nhất cho dân tộc và nền dân chủ chân chính của nhân dân”... Đáng chú ý là những “ý kiến”, “bình luận” về Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của những gương mặt quen thuộc trong Hội thảo “Bàn tròn của BBC”.
Có kẻ cho rằng: “Tất cả những chuyện về suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,.., về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hay điều gì đó, thì chỉ nhằm “lợi ích nhóm”,...; và rằng Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) là biểu hiện của sự “bế tắc” giải pháp cho các vấn đề xã hội,... Có kẻ thì qua “Thư ngỏ” khẳng định rằng, một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến “độc tài, toàn trị”.
Như vậy, có thể khẳng định, tất cả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội đều xuyên tạc, bóp méo sự thật về Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII); nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước, mối quan hệ giữa Đảng ta với nhân dân.
Và mục tiêu cuối cùng của họ là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, họ đòi “đa nguyên, đa đảng đối lập”; họ muốn Đảng Cộng sản Việt Nam thôi giữ vai trò lãnh đạo đối với giai cấp, dân tộc và xã hội Việt Nam, họ đòi “đổi mới thể chế chính trị” ở Việt Nam, đòi nhường quyền lãnh đạo dân tộc và xã hội cho một “lực lượng chính trị mới”...
Lịch sử đã minh chứng, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân ta, dân tộc ta hết lòng ủng hộ, một lòng tin theo Đảng.
Trong suốt tiến trình cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hàng vạn đảng viên cộng sản đã hy sinh trong ngục tù của thực dân, đế quốc, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; kiên quyết một lòng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, trong khi các đảng phái của các giai cấp khác, các lực lượng chính trị khác đều tự tan rã, hoặc không được nhân dân ủng hộ, không thực hiện được mục tiêu chính trị mà họ đề ra.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ nạn quan liêu, tham những, lãng phí”, Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Ctqg, Hà Nội, 2016, tr. 18-19,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Trong những căn bệnh suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu, là căn nguyên gây ra nhiều căn bệnh khác. Thực tiễn cũng cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng gặp không ít khó khăn, trở ngại, có lúc do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, hành động chưa đúng quy luật khách quan, dẫn đến sai lầm, khuyết điểm.
Điều quan trọng là ở chỗ, mỗi khi phạm phải sai lầm, khuyết điểm, Đảng không bảo thủ, bàng quan; trái lại, đều kiên quyết sửa chữa, thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm chính trị trước nhân dân, dân tộc. Nhưng, trớ trêu là một số kẻ thù địch, cơ hội chính trị lại không thấy hoặc cố tình làm ngơ điều đó; hơn thế, họ còn thổi phồng những khuyết điểm, sai lầm đó và quy kết Đảng ta không đủ năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong điều kiện mới của đất nước.
Chúng ta cần cảnh giác vạch trần và đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Đảng ta không né tránh và phủ nhận hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và đề ra hệ thống các giải pháp cấp bách để tiếp tục xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng đã tạo sự chuyển biến bước đầu, có tác dụng cảnh báo, răn đe và phòng ngừa những hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Vì vậy, không thể vin vào những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém hiện nay để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; cũng không thể đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản với một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, thoái hóa, biến chất, quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm, tiêu cực trong xã hội về cho Đảng. Làm như vậy là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, là phủ nhận lịch sử, phủ nhận lòng tin của nhân dân, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc.
Cho dù các thế lực thù địch, các “nhà hoạt động xã hội”, những người cơ hội chính trị hoặc những kẻ nhân danh “người yêu nước” có dùng âm mưu thủ đoạn thâm độc đến đâu cũng không thể che đậy được dã tâm của họ nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo sự thật về Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.
Như đông đảo cán bộ, nhân dân ta xác định, mặc dù xã hội ta vẫn còn những vấn đề phải giải quyết, thậm chí có cả những vấn đề bức xúc, nhưng không có lực lượng chính trị nào có đủ lương tâm, trí tuệ và sức mạnh hơn Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện chế độ xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân
Nguồn: CAND