Pháp luật
Ghi từ những phiên tòa xét xử lưu động
09:00, 06/10/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Xét xử lưu động (XXLĐ) được xem là một hình thức tuyên truyền trực quan mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phiên tòa, từ các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, còn là một hình thức để răn đe các đối tượng có nguy cơ phạm tội.
Cách đây không lâu, Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ đã mở phiên tòa công khai xét xử lưu động 2 vụ án hình sự tại Trường THPT Tân Kỳ. 2 bị cáo trong 2 vụ án được đưa ra xét xử là Trần Bình Thuận (SN 1984) trú tại xóm Đồng Lau, xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và Thái Duy Dương (SN 1982) trú tại xóm Phượng Minh, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ về tội “Trộm cắp tài sản”.
Chứng kiến và theo dõi toàn bộ phiên tòa cũng như các thủ tục tiến hành tố tụng, cán bộ, giáo viên và hơn 1.200 học sinh càng hiểu rõ hơn sự nghiêm minh của pháp luật dành cho những kẻ xem thường luật pháp. Em Nguyễn Xuân An, học sinh Trường THPT Tân Kỳ cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được theo dõi một phiên tòa. Em nghĩ, việc lựa chọn xét xử lưu động tại các trường học là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, vừa thực tế, vừa mang tính giáo dục cao, giúp chúng em hiểu biết và nâng cao nhận thức về pháp luật”. Về phía các bị cáo khi bị đưa ra xét xử nơi đông người cũng cảm thấy xấu hổ, vì họ không chỉ phải nhận bản án nghiêm khắc của tòa án mà còn chịu sự phán xét của dư luận.
TAND TP Vinh xét xử lưu động các vụ án trong tháng 9 vừa qua |
Cuối tháng 9 vừa qua, TAND TP Vinh đã mở phiên tòa xét xử lưu động 5 vụ án hình sự đối với 5 bị cáo về các tội chống người thi hành công vụ và mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Các bị cáo trong các vụ án này đều tuổi còn rất trẻ. Như bị cáo Thái Doãn Lương (SN 1995) trú tại phường Lê Mao đã có hành vi ngông cuồng, xem thường pháp luật. Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, Lương đã cùng một số đối tượng khác mang theo dao, tuýp sắt đến tìm em Phạm Duy Đạt (SN 2000) để giải quyết. Khi Công an xã Nghi Đức có mặt tại hiện trường để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật thì bị cáo không những không chấp hành mà còn dùng tuýp sắt đánh vào người đồng chí Phạm Văn Công là Công an viên gây thương tích và bỏ trốn. Được biết, ngày 26/5/2016, Lương bị xử phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm về tội “Trộm cắp tài sản”.
Phân tích hành vi của Lương, HĐXX nhận định, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 1, Điều 257, Bộ luật Hình sự nên Lương phải nhận mức án 12 tháng tù giam. Như vậy, tổng hình phạt mà bị cáo Lương phải chấp hành là 42 tháng tù giam. Theo dõi toàn bộ quá trình xét xử, tất cả những người dự phiên tòa ngày hôm đó đều đồng tình với bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội mà HĐXX dành cho Lương. Mọi người cũng cho rằng, bản án còn có tính răn đe, thức tỉnh các đối tượng đang có nguy cơ phạm tội, nhất là bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện xem thường pháp luật.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng là mục đích cao nhất mà TAND các cấp hướng đến khi quyết định đưa một vụ án ra xét xử lưu động. Nhất là ở các phiên tòa được tổ chức ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bởi, hầu hết bà con nơi đây có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật nên thường bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà không hay biết.
Do vậy, thường ở những phiên tòa này, trong quá trình xét xử, HĐXX đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như bà con nhân dân hiểu rõ. Điều này giúp người dân tham dự phiên tòa được tiếp cận thông tin trực tiếp, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, có tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi người, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên, từ đó họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để tránh vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của TAND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, Tòa án nhân dân 2 cấp đã đưa ra xét xử 116 vụ án hình sự sơ thẩm. Hiệu quả ghi nhận được không chỉ ở khía cạnh nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đảm bảo tính nghiêm trị, răn đe mà qua đó còn giúp người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.
H. Thương