Pháp luật

Nghệ An

Cần giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng ở huyện Tân Kỳ

10:40, 27/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù diện tích rừng phòng hộ bị hủy hoại trong một thời gian dài, song chính quyền các cấp ở huyện Tân Kỳ vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Mới đây, nhiều diện tích rừng phòng hộ tại Tiểu khu 867, thuộc địa bàn xã Kỳ Tân lại tiếp tục bị chặt phá, gây bức xúc dư luận. Trong khi đó, cơ quan chức năng các cấp vẫn chưa xác định, bắt giữ được đối tượng phá rừng.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Tiểu khu 867, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị chặt phá khiến dư luận bức xúc
Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Tiểu khu 867, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị chặt phá khiến dư luận bức xúc

Theo thông tin phản ánh của người dân, thời gian gần đây, trên địa bàn xã Kỳ Tân tiếp diễn tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, khu vực rừng bị hủy hoại thuộc dãy núi Khu Gạo - Tiểu khu 867. Đây là khu vực giáp ranh giữa xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ và xã Quang Thành, huyện Yên Thành. Theo đó, mục đích hủy hoại khu rừng này nhằm lấy gỗ, củi và lấn chiếm đất để tái trồng cây nguyên liệu. Được biết, con đường đất mà Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Tân Kỳ bỏ hàng trăm triệu đồng để mở với mục đích “tuần tra, bảo vệ rừng” vô tình trở thành con đường để “lâm tặc” sử dụng ôtô, xe kéo vào chặt phá, vận chuyển gỗ, củi ra khỏi địa bàn.

Theo số liệu báo cáo của UBND xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (ngày 20/6/2017), toàn xã có 729,95 ha rừng phòng hộ. Tất cả số diện tích rừng trên đều được giao khoán cho các hộ dân khoanh trồng và bảo vệ theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay số diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc địa bàn xã Kỳ Tân bị chặt phá lên đến 87,3 ha. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự việc chưa được xử lý dứt điểm, chưa có đối tượng nào bị bắt giữ, xử lý.

Người dân được giao khoán rừng tại Tiểu khu 867 cho biết, họ được Nhà nước giao khoán rừng để khoanh nuôi, bảo vệ, song khi phát hiện “lâm tặc” chặt phá, hủy hoại rừng đều báo lên cơ quan chức năng nhưng không thấy cơ quan nào vào cuộc xử lý. Theo phản ánh của người dân, diện tích rừng phòng hộ đã bị phá từ khoảng tháng 9/2016 đến nay, diện tích rừng bị phá ngày càng gia tăng, mục đích của việc phá rừng chính là để mở rộng diện tích đất trồng cây keo. Những đối tượng phá rừng tại xã Kỳ Tân không phải là người trên địa bàn mà là những người dân ở địa bàn giáp ranh thuộc huyện Yên Thành. Do vậy, việc xử lý cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền 2 địa phương.

Trao đổi sự việc trên, ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân tỏ rõ bức xúc: Rừng phòng hộ của xã nay đã bị “lâm tặc” phá gần hết. Chúng tôi đã họp lên, bàn xuống với chủ rừng cũng như Kiểm lâm và các phòng chức năng của huyện Tân Kỳ nhưng hầu như chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Rừng vẫn cứ mất trong khi chủ rừng là Ban QLRPH Tân Kỳ thiếu quyết liệt, còn Kiểm lâm huyện thì không bắt được vụ nào. Đặc biệt là huyện tỏ ra thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, Quyết định thành lập đoàn liên ngành của huyện ký ban hành từ tháng 6/2017 nhưng đến nay đã gần 3 tháng trôi qua, không hiểu lý do vì sao Quyết định vẫn nằm trên giấy?

Trong khi đó, về phía chủ rừng Nhà nước, ông Đinh Văn Hải, Phó Trưởng ban QLRPH Tân Kỳ cho biết: Sự việc tranh chấp, hủy hoại rừng tại địa bàn xã Kỳ Tân đã xảy ra từ lâu nhưng chưa được xử lý triệt để. Ngay như việc tranh chấp đất rừng của doanh nghiệp Kiều Phương và người dân vẫn chưa giải quyết được. Về phía Ban QLRPH Tân Kỳ, khi phát hiện sự việc phá rừng, chúng tôi đều báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý theo thẩm quyền; còn chúng tôi chỉ có trách nhiệm bảo vệ rừng, không có trách nhiệm xử lý.

Cũng theo ông Hải, hiện tại Tiểu khu 867 đã được Nhà nước giao khoán rừng theo Nghị định 02 cho các hộ dân với thời hạn 50 năm (rừng chỉ được bảo vệ, không được phát sẻ), tuy nhiên nhiều gia đình nhận rừng nhưng không biết rừng của mình ở khu vực nào, do đó trách nhiệm của người được giao khoán, bảo vệ rừng chưa được phát huy.

Mặt khác, khu vực rừng bị chặt phá nằm ở địa hình dốc cao, đường đi lại khó khăn nên khi nhận được thông tin có phá rừng, lực lượng chức năng lên đến nơi thì không còn ai, khi lực lượng chức năng rút thì họ lại phá. Hiện, chúng tôi đang bố trí lực lượng trên đó thường xuyên, kịp thời phát hiện những kẻ phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo “Biên bản kiểm tra hiện trường” ngày 18/9/2017 về vụ việc chặt phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ tại xã Kỳ Tân của các cơ quan chức năng huyện Tân Kỳ thì diện tích rừng mới bị phá gần đây là 1,96 ha. Cụ thể, vị trí thứ nhất bị chặt phá có diện tích 1,55 ha, thuộc lô 13, 20, khoảnh 8, Tiểu khu 867, thời gian chặt phá vào ngày 14/7/2017; vị trí thứ hai bị chặt phá có diện tích 0,4 ha tại lô 16, 19, khoảnh 8, Tiểu khu 867, thời gian chặt phá vào ngày 20/7/2017. Cũng tại biên bản này xác định, đối tượng chặt phá là người dân Yên Thành lên phát rừng để trồng cây, tuy nhiên chưa xác định được cụ thể đối tượng.

Như vậy, thông tin phản ánh về sự việc phá rừng tại Tiểu khu 867, thuộc địa bàn xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ là có cơ sở. Rừng ở đây đã được Nhà nước giao khoán cho người dân xã Kỳ Tân theo Nghị định 02 của Chính phủ, có thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, đối tượng phá rừng để trồng cây công nghiệp lại là người thuộc địa bàn huyện Yên Thành. Được biết, sự việc trên xảy ra từ lâu, song chưa được chính quyền 2 địa phương cũng như các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, khiến người dân được giao khoán rừng hết sức bức xúc.

Vinh Thành

Các tin khác