Pháp luật
Lăng mạ, tấn công cán bộ xử lý lấn chiếm vỉa hè bị xử phạt thế nào?
11:15, 22/03/2017 (GMT+7)
Trong quá trình xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, các cán bộ tham gia thường xuyên bị phản ứng, có trường hợp bị lăng mạ, thậm chí là bị hành hung. Vậy, dưới góc nhìn pháp lý, các hành vi cản trở, tấn công cán bộ, người thi hành công vụ trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè sẽ phải đối mặt với những hình thức xử phạt nào?
Thời gian qua, chủ trương của TP HCM về xử lý nạn lấn chiếm lòng, lề đường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các vi phạm liên quan này, những cán bộ thi hành công vụ thường xuyên gặp sự phản ứng từ phía những người vi phạm.
Trước đây vào giữa năm 2015, một Phó chủ tịch UBND phường thuộc quận Bình Tân, TP HCM trong lúc dẫn đầu đoàn công tác nhắc nhở hàng quán lấn chiếm vỉa hè đã bị một nhóm thanh niên manh động dùng ống sắt hành hung, dẫn tới gãy tay.
Trong quá trình xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, các cán bộ thường xuyên bị người vi phạm phản ứng, thậm chí lăng mạ, hành hung. Ảnh minh họa: Nguyên Huy. |
Mới đây, chiều ngày 7-2-2017, tổ trật tự đô thị phường Tân Thành (TP Buôn Ma Thuột) phát hiện bà Nguyễn Thị Cận (SN 1971, ngụ phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột) đang lấn chiếm vỉa hè trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để bán cơm. Tổ công tác đã mời bà Cận về trụ sở để giải quyết. Tuy nhiên, bà Cận đã dùng khay đựng thức ăn bằng Inox tấn công anh Đặng Nguyễn Trường (SN 1994, lái xe của tổ trật tự đô thị) khiến anh Trường bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu.
Rõ ràng, xâu chuỗi các sự việc này với nhau sẽ khiến nhiều người lo ngại cho sự an toàn của lực lượng thi hành công vụ trong việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Liên quan đến vấn đề này,để cung cấp thông tin đến quý độc giả, Phóng viên Báo điện tử Công an TP HCM đã liên hệ với luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.
PV: - Thưa luật sư Trần Minh Hùng, ông có thể cho biết, hình thức xử phạt nào đối đối với hành vi tấn công những cán bộ tham gia công tác xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Những người có hành vi tấn công các cán bộ tham gia công tác xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi và hậu quả mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính về lĩnh vực an toàn xã hội, an ninh trật tự;phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau:
Điều 5: Vi phạm quy định về trật tự công cộng
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
....
Về trách nhiệm hình sự thì hành vi tấn công người thi hành công vụ thì tùy tính chất hành vi mà còn có thể bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự hoặc Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 257 Bộ luật hình sự hiện hành.
PV: - Hiện nay, khi tham gia công tác xử lý lấn chiếm vỉa hè, các cán bộ tham gia thường bị phản ứng gay gắt, có trường hợp bị chửi mắng, lăng mạ. Vậy, hiện tại pháp luật đã có quy định xử lý hành vi này chưa?
Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh |
Luật sư Trần Minh Hùng: - Nếu có những lời lẽ chửi thề, chửi tục xúc phạm nghiêm trọng đối với người tham gia làm công tác xử lý vi phạm, hành vi này có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác và được coi là làm nhục người khác. Tuy nhiên việc xử lý đối với hành vi này còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Cụ thể:
- Xử phạt hành chính:
Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi của người em họ kia và mẹ đẻ của anh ta bị xử phạt hành chính, cụ thể:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"
- Về xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội làm nhục người khác thì:
"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm...”
PV: - Theo ông, hiện tại, xét với góc độ pháp lý, các lực lượng chức năng tham gia làm công tác xử lý vi phạm vấn chiếm lòng đường, vỉa hè được pháp luật bảo hộ qua những hình thức nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí, chức năng của bảo vệ dân phố thì Bảo vệ dân phố sẽ hộ trợ các cán cán bộ xử lý thực hiện công việc của mình. Căn cứ Luật công an nhân dân, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Công an nhân dân thì khi các các bộ đi xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè luôn được Công an phường, Cảnh sát cơ động đi theo hỗ trợ, bảo vệ khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, các cán bộ này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo chỉ đạo của cấp trên, theo lãnh đạo có thẩm quyền nên được pháp luật bảo vệ trong phạm vi công việc.
Các dân quân tự vệ, Bảo vệ dân phố, Công an phường...là những người sẽ bảo vệ về tính mạng, sức khỏe cũng như bảo vệ cho các cán bộ này thực hiện công việc xử lý lấn chiếm vỉa hè được hiệu quả, nhanh chóng và đúng pháp luật.
PV: - Có dư luận cho rằng vẫn xảy ra các trường hợp bao che cho hành vi lấn chiếm vỉa hè. Về trường hợp này, pháp luật đã có những chế tài nào để xử lý thưa ông?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Đúng là dư luận đang cho rằng có điều đó. Cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức đơn vị nhà nước đều có quy định, nội quy của mình. Thực tế chưa có quy định cụ thể xử lý cho hành vi bao che cho người vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, thông thường tại cơ quan nhà nước đều có nội quy, quy tắc, đạo đức cán bộ nên những hành vi này có thể bị xử lý về mặt Đảng cũng như xử lý hình thức kỷ luật theo quy định Luật cán bộ công chức.
Các hình thức kỷ luật
1. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Buộc thôi việc.
2. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
Ngoài ra, tùy hành vi mà người bao che còn có thể bị xử lý về điều lệ đảng nếu cán bộ đó là đảng viên.
PV: - Quan điểm của luật sư về vấn đề cán bộ tham gia xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè bị lăng mạ, hành hung?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Theo tôi để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho các cán bộ này đi thi hành công vụ nên có người bảo vệ như Cảnh sát cơ động, công an phường, Dân phòng...đi theo hỗ trợ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi gặp các hộ dân có hành vi chống đối, nhục mạ thì nên nhắc nhở, giải thích pháp luật, nếu họ cố tình vẫn không nghe mà xúc phạm nghiêm trọng thì có thể lập biên bản xử lý vi phạm hành chính như tôi nêu trên.
Tôi cho rằng người dân không nên chống đối, lăng nhục, nhục mạ cũng như gây thương tích cho người thi hành công vụ vì như thể có thể bị xử lý về mặt hành chính, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Do vậy, nếu thấy cán bộ làm không sai, không đúng thì nên khiếu nại theo quy định Luật khiếu nại mà pháp luật cho phép chứ không nên có những hành vi vi phạm gây bất lợi cho mình.
PV: - Xin chân thành cảm ơn luật sư đã tham gia trả lời phỏng vấn !
Nguyên Huy