Pháp luật

Thực hiện hiệu quả năm cao điểm hành động AT VSTP

08:27, 13/02/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong 5 năm liên tục (2011 - 2015), Bộ triển khai “Năm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm”. Đặc biệt, năm 2016 được Bộ chọn là “Năm cao điểm hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”.
 
Theo đó, Bộ và các địa phương đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Năm cao điểm hành động an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) 2016 được Bộ phát động nhằm tạo chuyển biến rõ nét về ATTP, đặc biệt là xử lý căn cơ một số vấn đề nổi cộm mất ATTP như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn
Trong năm vừa qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã tổ chức thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng, giống vật nuôi... Phát hiện, xử lý 3.877 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP (chiếm 13%) với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 22 tỉ đồng. Riêng tại Nghệ An, trong năm 2016, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành các sở, ngành, địa phương thực hiện Năm cao điểm ATVSTP và Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ; các đơn vị đã tiến hành kiểm tra 903 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản, cơ sở giết mổ và tàu cá trên địa bàn tỉnh. 
 
Đặc biệt, tỉnh đã lập 4 đoàn thanh tra liên ngành trong các đợt cao điểm, tháng hành động; thực hiện thanh tra đối với 106 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính 51 cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất và giới thiệu điểm bán thực phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn...
 
Tuy nhiên, qua đánh giá việc triển khai thực hiện ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa ngăn chặn, giảm thiểu rõ nét tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm trồng trọt; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; ô nhiễm vi sinh vật trong thịt gia súc, gia cầm. Số cơ sở giết mổ sau tái kiểm tra chưa đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP...
 
Năm 2017, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATVSTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỉ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc BVTV trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016; tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016; 100% các tỉnh/thành phố phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày bán cho người tiêu dùng.
 
 Do đó, mục tiêu, giải pháp thực hiện có hiệu quả Năm cao điểm hành động ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017 được triển khai ngày 10/2, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đề nghị các cấp, ngành và các địa phương triển khai tích cực các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện; tăng cường công tác thông tin truyền thông; tập trung công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; các địa phương khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và thanh tra chuyên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP; tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP.

Châu Yên

Các tin khác