(Congannghean.vn)-Cách đây chưa lâu, hàng chục gia đình tại xã Trù Sơn và các xã lân cận của huyện Đô Lương (Nghệ An) hoang mang sau vụ vỡ phường, hụi hàng tỉ đồng, khiến nhiều gia đình hoang mang, điêu đứng... Tưởng chừng sau sự việc đó, những người tham gia phường, hụi trên địa bàn sẽ tỉnh ngộ, đoạn tuyệt với hình thức tín dụng “đen” này. Thế nhưng, bài học nhãn tiền ấy dường như chưa đủ thức tỉnh, mới đây một vụ “chạy phường” lại tiếp tục diễn ra…
Dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng người dân xóm 10, xã Trù Sơn vẫn tham gia phường, hụi |
Một ngày cuối tháng 12/2016, phóng viên Báo Công an Nghệ An có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Hồng ở xóm 10, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương để tìm hiểu việc chơi phường, hụi của người dân. Qua tìm hiểu ban đầu được biết, chính bà Hồng đang là một “trùm phường” lâu nay trên địa bàn, hôm chúng tôi đến, có hàng chục người tham gia phường của bà Hồng đang có mặt tại đây như thường lệ.
Theo mô tả của một số người tham gia phường, hụi hôm đó, cứ mỗi lần tổ chức phiên bốc phường, bà Hồng sẽ được hưởng 100.000 đồng tiền hoa hồng. Và để bà Hồng không “bùng phường” như những “trùm phường” trước đó, bà Hồng sẽ là người “bốc phường” cuối cùng. Với cách rào trước, đón sau như trên, những người tham gia dây phường do bà Hồng đứng đầu khẳng định một cách chắc chắn, dây phường này tổ chức rất chặt chẽ, không thể bị “vỡ phường”, “bùng phường”, do vậy vẫn có rất nhiều người dân tham gia.
Trở lại thông tin phản ánh vụ “chạy phường” vừa xảy ra tại xã Trù Sơn gần đây, bà Nguyễn Thị Lan (65 tuổi) trú tại xóm 10, xã Trù Sơn cho biết: Người chúng tôi tố cáo là chị Nguyễn Thị Nhung trú tại xóm 6, xã Đại Sơn. Sau khi bốc hết các suất phường của mình, chị Nhung đã không đóng tiền phường theo quy định của phường mà chiếm đoạt hoàn toàn số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tổ chức đòi lại số tiền trên nhưng đến nay chị Nhung không chịu trả, ngược lại chị ta còn tỏ ra thách thức chúng tôi.
Bà Lan phàn nàn, số tiền tôi đóng góp vào phường là tiền của con cháu, anh em thân thích gom góp lại, trong đó có cả tiền vay ngân hàng nhưng giờ đây chị Nhung ngang nhiên chiếm đoạt không chịu trả?
Cùng cảnh ngộ trên, bà Nguyễn Thị Thế (50 tuổi) trú tại xóm 10, xã Trù Sơn bức xúc cho biết: Chúng tôi tham gia phường nhiều năm rồi. Khi chị Nhung vào phường thời gian đầu rất sòng phẳng, ai cũng nghĩ với gia thế giàu có như vậy thì sẽ không có chuyện Nhung “bùng phường” như vừa rồi. Trước đó, khi nghe vụ “vỡ phường” ở xã Tân Sơn, chúng tôi đã muốn khống chế mỗi lần chỉ cho bốc nửa suất phường nhưng khi đó đã quá muộn, chị Nhung đã bốc gần hết phường rồi, không cứu vãn được nữa.
Theo lời bà Thế, trước đó nhiều lần Nhung cũng nói với chúng tôi là chị ta không bao giờ ăn không của người nào một đồng, thế nhưng không ngờ khi chị ta bốc hết lượt của mình lại trở mặt, không đóng tiền phường nữa!
Ông Nguyễn Thủy Tấn (65 tuổi) trú tại xóm 10, xã Trù Sơn phàn nàn: Số tiền tham gia phường, hụi là của nhiều người góp lại, mục đích là giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo học hành cho con cháu cũng như việc hiếu, hỉ của các gia đình… Thế nhưng, lợi dụng sự tin tưởng của các thành viên trong phường, chị Nhung đã ngang nhiên chiếm đoạt tiền mồ hôi, nước mắt của bà con. Chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý nghiêm các đối tượng này, trả lại tiền chiếm đoạt cho người dân.
Theo quan sát của phóng viên, thời điểm có mặt tại nhà bà Hồng, tại đây đang có rất nhiều cuốn sổ ghi chép hoạt động phường, hụi. Qua tiếp cận một số cuốn sổ trên cho thấy, thông tin ghi chép chủ yếu là tên người tham gia phường, hụi, số lần người bốc phường… và có ký nhận. Như vậy, mặc dù mới bị bà Nhung “chạy phường” nhưng hàng chục hộ dân ở xóm 10, xã Trù Sơn vẫn đang “chơi phường”, kiểu như dân gian thường nói “Đánh đến chết cái nết không chừa”.
Một cán bộ xã Trù Sơn cho biết: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền cho người dân về những hệ lụy của tín dụng “đen” và phường, hụi; đồng thời, qua một số vụ án liên quan đến phường, hụi được đưa ra ánh sáng, đã làm chuyển biến nhận thức cho nhiều người, quyết tâm từ bỏ phường, hụi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có một số người vì lợi nhuận trước mắt, dù được cảnh báo nhưng vẫn chưa thực sự tỉnh ngộ.