Pháp luật

Hệ lụy từ tình trạng báo án giả

16:04, 03/12/2016 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng báo án giả, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mục đích khác nhau. Ngoài một số trường hợp do nhầm lẫn khách quan, việc báo án sai sự thật đều nhằm phục vụ mưu đồ cá nhân như che mắt người thân, chiếm đoạt tài sản, thậm chí là thỏa mãn “thú vui” nhất thời. Việc làm trên tuy không gây hậu quả nghiêm trọng song lại ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của cơ quan Công an và khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Từ mục đích trêu đùa…

Xuất phát từ đặc thù là lực lượng phản ứng nhanh, số điện thoại “nóng” của Cảnh sát 113 thuộc Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh trở thành “đầu mối” tiếp nhận muôn kiểu thông tin mà người dân trình báo liên quan đến tình hình ANTT trên địa bàn, từ cố ý gây thương tích, trộm cướp, tai nạn giao thông, cháy nổ… đến chuyện vợ chồng, hàng xóm cãi nhau gây mất trật tự, thậm chí là hỏi đường đi… Theo đó, các CBCS của đơn vị phải thay phiên nhau trực tổng đài 24/24 giờ để tiếp nhận tin báo, sau đó báo cáo lãnh đạo chỉ huy kịp thời giải quyết vụ việc. Thế nhưng, ngoài đa số những thông tin trình báo đúng sự thật, cũng có không ít tin báo chọc phá, trêu đùa. Giờ “cao điểm” là từ cuối chiều tối đến đêm  khuya, tổng đài liên tục nhận tin báo mà theo 1 CBCS nói vui, đây là giờ của “bợm nhậu” vì lượng tin báo về nhiều, tin thật cũng nhiều mà tin giả cũng không ít.

Trung tá Đặng Hải Triều, Đội trưởng Đội Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cho biết: Đối với tin báo liên quan đến ANTT, sau khi tiếp nhận sẽ được chuyển cho chỉ huy ca trực để điều lực lượng xuống hiện trường. Trong nhiều trường hợp, sau khi tiếp cận địa điểm xảy ra vụ việc như tin báo, tổ công tác mới phát hiện đó là tin báo giả. Trong khi số lượng vụ việc mà đơn vị đang thụ lý rất nhiều, cần tập trung lực lượng giải quyết thì những tin báo giả gây mất thời gian và công sức của CBCS.

… Đến phục vụ mưu đồ cá nhân

Trong nhiều trường hợp, báo án giả còn là một màn kịch nhằm che đậy hành vi vi phạm pháp luật của mình, trong đó có nhiều nguyên nhân, có thể vì nợ nần do làm ăn thua lỗ, cờ bạc, hay vì lòng tham… Trường hợp của Nguyễn Văn T. (17 tuổi) trú tại xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu là một ví dụ. Do thua bạc dẫn đến nợ nần nhưng sợ gia đình trách mắng, T. đã mang chiếc xe đạp điện của mình đi bán, sau đó về nhà báo với gia đình là bị mất trộm tại một quán tạp hóa trên địa bàn. Sự việc sau đó được trình báo lên cơ quan Công an. Tuy nhiên, qua điều tra, xác minh, lời khai của T. bộc lộ nhiều điểm đáng nghi và có sự mâu thuẫn. Cuối cùng, biết không thể qua mắt Công an, T. đã thừa nhận hành vi báo án giả.

Thực tế điều tra, xác minh, làm rõ nhiều vụ trộm, cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy: Trong một số vụ việc, số tài sản bị cướp, mất trộm mà bị hại khai báo không trùng khớp (phần lớn là bị “đội” lên) so với số tài sản mà cơ quan Công an phát hiện, thu giữ được trong quá trình các CBCS hay người dân bắt quả tang vụ việc hoặc khi thủ phạm bị bắt giữ mà chưa kịp tiêu thụ, tẩu tán “chiến lợi phẩm”. Thực tế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do tâm lý của bị hại, khi bị cướp, mất trộm không xác định rõ số tài sản, thay vì trình báo đúng sự thật, họ lại “nói quá”. Điều này khiến cơ quan Công an gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc.

Hồng Hạnh

Các tin khác