Pháp luật
Tại sao tội phạm ma tuý ngày càng gia tăng, liều lĩnh?
Nếu như trước đây, trong các vụ án ma tuý, lực lượng chức năng chỉ thu được vài bánh heroin, vài kilogram ma tuý tổng hợp thì hiện nay, số lượng này lên tới hàng trăm bánh, hàng chục kilogram. Cùng với số lượng ma túy tăng lên, thì các đối tượng phạm tội cũng ngày càng trở nên liều lĩnh, manh động với thủ đoạn hết sức tinh vi.
Theo luật pháp Việt Nam, hình phạt đối với tội phạm ma tuý là rất nghiêm khắc, điển hình như vào đầu năm 2014, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt tới 30 bị cáo mức án tử hình trong một chuyên án ma tuý “khủng” xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, trong các vụ án ma túy mà lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian vừa qua, số lượng ma túy thu giữ được lại ngày càng lớn, đường dây ổ nhóm ngày càng quy mô, như vụ 490 bánh heroin trong bình ga; vụ 5,5 tấn ma túy, tiền chất ma túy tại biên giới Việt - Lào vào năm 2015 và gần đây nhất là vụ 300 bánh heroin được giấu trong bình nhựa vừa được triệt phá ngày 26/11 tại Phú Thọ.
Số ma tuý thẩm lậu lớn
Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C47), Bộ Công an, tội phạm ma tuý gia tăng bởi nguồn ma tuý từ nước ngoài vào nước ta rất lớn. Hầu như ma túy tại nước ta đều thẩm lậu từ nước ngoài, chiếm khoảng 90 - 95%. Việc sản xuất trái phép ma túy với quy mô lớn ở trong nước là không đáng kể, mới chỉ manh nha ở các vụ nhỏ lẻ.
Do vị trí địa lý nước ta gần khu vực “Tam giác vàng”, là trung tâm sản xuất ma túy lớn của khu vực và thế giới, tuyến biến giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng trải dài, phần lớn là rừng núi hiểm trở. Đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng vận chuyển ma túy vào nước ta.
Các nghi phạm và 300 bánh heroin mà Công an tỉnh Phú Thọ vừa triệt phá ngày 26/11 |
Theo điều tra, giá heroin ở Myanmar, Lào, Campuchia tầm khoảng 2.000-3.000 USD/bánh khi mang về đến nội địa Việt Nam có thể tăng lên từ 10.000 USD/bánh nhưng sau đó nếu “cất cánh” được đến Úc thì sẽ rơi vào khoảng 45.000-50.000 USD/bánh, đến Đài Loan là 35.000-40.000 USD/bánh. Theo đó, ma túy chảy vào Việt Nam chủ yếu từ Tam giác vàng và chỉ một phần nhỏ tiêu thụ nội địa, còn lại chủ yếu chuyển sang nước thứ ba.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C47) cho biết, mặc dù biết hình phạt nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, nhưng do lợi nhuận từ việc mua bán quá lớn nên các đối tượng vẫn chấp nhận lao vào con đường phạm tội. Nhiều đối tượng không có việc làm ổn định, nghiện ma túy nên đã vận chuyển ma túy thuê cho các đối tượng khác để có tiền ăn chơi, tiêu xài.
Nguyên nhân nữa của việc gia tăng tội phạm ma túy là do sự khó khăn về kinh tế và trình độ thấp của bà con vùng biên. Lợi dụng điều này, bọn tội phạm ma tuý đã lôi kéo người dân tham gia vào việc tàng trữ và vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới. Số lượng người nghiện ma túy ở nước ta còn cao, trong khi đó hiệu quả công tác cai nghiện thấp, như một quy luật tất yếu, khi có cầu thì ắt sẽ có cung.
Hơn nữa, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy vẫn còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đồng đều, chưa được đầu tư nhiều về kinh phí và phương tiện kỹ thuật hiện đại. Sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương còn chưa mạnh, chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo, có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách.
Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như: Sự xuất hiện các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, sự cấu kết và móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước để buôn bán ma tuý; xu hướng tội phạm ma túy móc nối với các loại tội phạm khác đặc biệt là tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự như một liên kết tự nhiên nguy hiểm, đang gia tăng và ngày càng phức tạp….
Manh động, liều lĩnh, sử dụng vũ khí nóng
Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho thấy, từ năm 2010 đến tháng 6/2016, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ gần 120.000 vụ án, với gần 180.000 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ khoảng 1.546,27 kg và 1.258.934 viên ma túy tổng hợp. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 10.022 vụ với 15.829 đối tượng, thu giữ 413,8 kg và 148.483 viên ma túy tổng hợp.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, quy mô các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp. Khối lượng các chất ma túy thẩm lậu vào trong nước bị các lực lượng chức năng thu giữ ngày càng nhiều hơn và đa dạng về thành phần, chủng loại.
Khi mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn như vậy, các đối tượng phạm tội ma túy biết khi bị bắt sẽ phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, nên thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động nhằm tránh bị phát hiện và rất manh động liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí quân dụng chống lại lực lượng chức năng khi bị vây bắt.
Trong thời gian gần đây, lực lượng đấu tranh chống tội phạm về ma tuý trên toàn quốc đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ với số lượng ma túy lớn đi kèm theo đó là vũ khí nóng. Điều này cho thấy, tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống lại các lực lượng chức năng diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Về các loại vũ khí mà tội phạm hay sử dụng, xuất phát từ mục đích sử dụng vũ khí chống lại lực lượng chức năng của tội phạm là nhằm làm tê liệt, giảm sức chiến đấu của các lực lượng chức năng, nên loại vũ khí mà tội phạm sử dụng thường là vũ khí có khả năng gây sát thương cao. Điển hình là các loại súng quân dụng K54, K59, AK 47, súng bắn đạn hoa cải, hoặc loại vũ khí gây sát thương cho nhiều người (lựu đạn).
Địa bàn mà bọn tội phạm ma túy thường sử dụng vũ khí nóng chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc, đặc biệt là ở khu vực giáp biên giới. Đáng chú ý, trên địa bàn biên giới Việt - Lào thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy có vũ khí, đôi khi còn công khai thách thức các lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm ma túy sử dụng vũ khí quân dụng không chỉ tập trung ở những vùng biên giới nữa mà nhiều đối tượng mua bán ma túy ở các thành phố lớn như TP HCM, Hải Phòng cũng có vũ khí nguy hiểm, cho thấy loại tội phạm này ngày càng trở nên liều lĩnh.
Nguồn: Chinhphu.vn