Pháp luật

Cần siết chặt quản lý vũ khí 'nóng'

15:06, 07/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ án liên quan đến vũ khí "nóng” khiến xã hội không khỏi bất an. Có những vụ án chỉ xuất phát từ xô xát nhỏ cũng dẫn đến việc dùng súng để giải quyết mâu thuẫn. Từ tình trạng trên cho thấy, việc siết chặt quản lý vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và súng tự chế hiện nay là cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cho đến giờ, nhiều người chưa hết bàng hoàng trước vụ nổ súng quân dụng khiến 2 người thương vong xảy ra đêm 27/10 tại phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Từ tài liệu của cơ quan điều tra và lời khai ban đầu của các đối tượng gây án cho thấy, nguyên vụ nổ súng xuất phát chỉ từ cái... “nhìn đểu”(?!).

Trong số tang vật vụ án giết người tại phố Nguyễn Thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) có nhiều vũ khí quân dụng. (Ảnh: cand.com.vn)
Trong số tang vật vụ án giết người tại phố Nguyễn Thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) có nhiều vũ khí quân dụng. (Ảnh: cand.com.vn)

Trước đó đã có không ít vụ án mạng liên quan đến vũ khí nóng như: Ngày 23/10, tại tỉnh Đắk Nông đã xảy ra vụ nổ súng hoa cải nghiêm trọng làm 3 người chết và hàng chục người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn từ tranh chấp đất đai. Vụ nổ súng vào đêm muộn 19/10 trên đường Nhuệ Giang, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông (Hà Nội) may mắn không có thương vong, nhưng đã khiến nhiều người hoảng sợ. Đáng chú ý, từ lời khai ban đầu của một trong số đối tượng nổ súng là Vũ Văn Sinh sau khi bị bắt, thì việc vác 3 khẩu súng đi bắn người là để “rửa hận” từ một va chạm trong quán ăn. Ngày 7/10, đối tượng Dương Minh Tuyền với biệt danh “thánh chửi” trú tại Bắc Ninh đã có hành vi gây rối, nổ súng sau khi phát sinh mâu thuẫn với nữ nhân viên trong một nhà hàng,…

Nguồn cơn nổ súng gây án mỗi vụ mỗi khác. Nhiều vụ nghiêm trọng chỉ xuất phát từ những va chạm nhỏ nhặt, thậm chí “lãng xẹt”, song các đối tượng đã không ngần ngại đem vũ khí "nóng" để giải quyết mâu thuẫn…

Bản chất của những vụ án trên cho chúng ta thấy hành vi gây án của các đối tượng ngày càng manh động, côn đồ, hung hãn. Việc tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép đang thực sự báo động. Công tác quản lý của chúng ta hiện còn bộc lộ nhiều bất cập khi không kiểm soát chặt chẽ được số lượng vũ khí "nóng" tồn tại tiềm ẩn trong cộng đồng.

Các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí "nóng" ngày càng diễn biến phức tạp, từ đó, dẫn tới các chế tài pháp luật hiện hành chưa theo kịp với sự thay đổi của tình hình thực tế, chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe để trấn áp kịp thời trước các hành vi vi phạm pháp luật trên.

Thực tế, đã có nhiều chuyên án, vụ án được cơ quan chức năng triệt phá thành công, thu giữ một số lượng đáng kể vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, súng tự chế... Thậm chí, từ việc tuần tra trên đường của lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương, cũng phát hiện nhiều vụ vận chuyển vũ khí "nóng". Điều đó đã phản ánh những nỗ lực rất lớn của các lực lượng chức năng trong công tác phối, kết hợp quản lý, kiểm soát vũ khí trái phép, nhưng cũng phần nào cho thấy hiểm họa khó lường đối với an ninh, trật tự xã hội và sự an toàn của người dân trước một lượng vũ khí "nóng" còn đang tiềm tàng trong cộng đồng.

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV ngày 31/10 vừa qua, trong Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày đã nhấn mạnh: "Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập... và để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới thì việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết,…".

Thiết nghĩ, để giảm thiểu tiến tới đẩy lùi các vụ án liên quan đến vũ khí "nóng", chúng ta cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Cần bổ sung thêm những chế tài xử lý mạnh tay hơn nhằm tăng tính răn đe, trấn áp các loại tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, vũ khí tự chế… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền pháp luật về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, súng tự chế; từ đó, từng bước khắc phục, đi đến chấm dứt thực trạng nhức nhối do các vụ án nghiêm trọng từ việc sử dụng vũ khí "nóng" gây ra trong thời gian qua.


Điều 230, Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

 “Điều 233. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”.

Nguồn: Dangcongsang.vn

Các tin khác