Pháp luật

Những quy định mới trong Luật xuất, nhập cảnh đối với người nước ngoài

09:05, 29/08/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Ngày 16/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Cùng với các nghị định thi hành, với nhiều quy định bổ sung, thống nhất, Luật này sẽ thay thế cho Pháp lệnh số 24/1999/PL-UBTVQH10 về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm đảm bảo yêu cầu về an ninh quốc gia và TTATXH trước tình hình mới.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 9 chương, 55 điều khoản thi hành. Theo đó, nhiều quy định mới được nêu trong Luật này như: Thị thực cho người nước ngoài không được chuyển đổi mục đích; người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì lần nhập cảnh tiếp theo phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Theo Pháp lệnh cũ thì không có quy định về điều này, thay đổi ký hiệu thị thực so với trước đây, ký hiệu của thị thực trong Luật mới thể hiện sự dễ hiểu, ký hiệu của thị thực theo quy định mới là tên viết tắt của mục đích người xin cấp thị thực…

Cụ thể, tại Điều 7 về giá trị sử dụng và hình thức của thị thực, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định:

1. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích; 2. Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi được cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ; thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời. Đối với việc thay đổi ký hiệu thị thực so với trước đây, tại Điều 8 cũng quy định có 20 loại ký hiệu thị thực khác nhau. Khác với trước đây, visa thị thực của Việt Nam cấp cho người nước ngoài được ký hiệu như B2, B3, C1, C2… thì nay được thay bằng các ký hiệu dễ hiểu, mang tính thống nhất hơn.

Ví dụ, đối với người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ cấp visa thị thực mang ký hiệu LV1. Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam thì ký hiệu là DT. Cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam ký hiệu là DN. Cấp cho phóng viên báo chí thường trú tại Việt Nam ký hiệu là PV1. Cấp cho người vào lao động ký hiệu LĐ… Đối với người nước ngoài được quá cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; 2. Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba; 3. Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.

Khu vực quá cảnh gồm: 1. Khu vực quá cảnh là khu vực thuộc cửa khẩu quốc tế, nơi người nước ngoài được lưu lại để đi nước thứ ba; 2. Khu vực quá cảnh do cơ quan có thẩm quyền quản lý cửa khẩu quốc tế quyết định.

Luật còn quy định, thị thực đối với người lao động có thời hạn không quá 2 năm, thị thực đối với nhà đầu tư tối đa 5 năm và nâng thẻ tạm trú từ 3 năm lên 5 năm nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật này. Đây là quy định mới của Luật, trong khi Pháp lệnh xuất nhập cảnh trước đó quy định, những đối tượng người nước ngoài này chỉ được cấp thẻ tạm trú tối đa không quá 3 năm.

Còn những người có hộ chiếu Việt Nam thì họ sử dụng giống như công dân Việt Nam, không phải làm thủ tục visa..., tạo điều kiện thuận lợi để bà con về nước. Cũng tại Khoản 1, Điều 20 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định: “Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”. 

Điều 33 về khai báo tạm trú cũng quy định:

1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú; 2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời gian 12 giờ; đối với vùng sâu, vùng xa trong thời gian 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú; 3.

Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.   Điều 34 quy định: Đối với người nước ngoài tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu vực biên giới và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phải thực hiện việc khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

Ngọc Thái (Tổng hợp)

Các tin khác