Pháp luật

Về quy định 'chửi vợ, mắng chồng sẽ bị phạt tiền': Liệu có khả thi?

08:22, 16/06/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực về an ninh, trật tự, an toàn xã hội có hiệu lực từ ngày 28/12/2013. Nghị định ra đời đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là tại Điều 51, quy định về xử phạt các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi “chửi vợ, mắng chồng” có thể bị phạt tiền, cao nhất là 1 triệu đồng.

Chồng chửi mắng vợ sẽ bị phạt tiền cao nhất là 1 triệu đồng - Tranh minh họa
Chồng chửi mắng vợ sẽ bị phạt tiền cao nhất là 1 triệu đồng - Tranh minh họa
Có thể nói, hiếm có chủ trương nào lại thu hút được sự quan tâm của xã hội, trong đó có cả phái nam và phái nữ như Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tại Điểm C, Điều 51 về nội dung “chửi vợ, mắng chồng sẽ bị phạt tiền”. 
 
Theo ý kiến của nhiều người, sở dĩ chị em quan tâm đến quy định trên là bởi lẽ, từ xưa đến nay, trong cuộc sống gia đình, phụ nữ luôn là nạn nhân và là đối tượng thường bị bạo hành về mặt tinh thần và thể xác. Trong cuộc sống hôn nhân, chuyện vợ chồng có những lúc “sóng gió” là điều khó tránh khỏi. Từ trước đến nay, trừ những vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý, còn những vụ bạo hành về mặt tinh thần như xúc xiểm, mắng chửi… thì chưa bao giờ phải chịu hình thức xử lý.
 
Do đó, sau khi Nghị định có hiệu lực sẽ đồng nghĩa với việc, chồng hoặc vợ nếu mắng mỏ, chửi bới người còn lại thì sẽ bị phạt tiền. Trên thực tế, phần lớn chị em là đối tượng chịu tác động của bạo lực gia đình, chứ mấy khi có chuyện đàn ông bị vợ mắng. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều người đàn ông cũng bị vợ bạo hành về tinh thần, thậm chí cả thể xác. Nhiều người còn biết kiềm chế, chỉ chì chiết trong nhà, nhưng cũng không ít bà vợ chửi chồng như “hát hay”, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, làm nhục chồng...
 
Nhìn nhận một cách khách quan và theo ý kiến của nhiều người, đây là một quy định mang tính văn minh và có tính thực tiễn. Về lý thuyết, Nghị định xử phạt về hành vi lăng mạ, chì chiết vợ hoặc chồng mang ý nghĩa rất nhân văn, nhằm giúp những thành viên trong gia đình thoát khỏi cảnh bạo hành về mặt tinh thần. Nhưng trong thực tế, không phải hành vi nào bị xử phạt bằng tiền cũng có thể giải quyết được triệt để vấn đề. Sau khi Nghị định ra đời, nhiều chị em cảm thấy rất phấn khởi, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về tính khả thi của nó.
 
Bởi lẽ, gia đình Việt Nam thường quan niệm nên “đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng thì hổ ai” nên ít có bà vợ nào dám “tố” là bị chồng đánh, xúc phạm khiến chồng bị phạt. Hơn nữa, phạt tiền của chồng cũng có nghĩa là “rút” từ “hầu bao” của mình, nghĩa là “đánh” vào kinh tế chung của gia đình, nên chẳng bà vợ nào dại dột làm điều đó. Còn các ông chồng chẳng lẽ lại mang ra “công đường” chuyện mình bị bạo hành tinh thần hoặc thể xác để rồi mang tiếng là anh chồng “sợ vợ”. 
 
Theo quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các điều trong Nghị định 167/2013 thuộc về Trưởng Công an cấp xã, phường; Chủ tịch UBND cấp xã, phường… Tuy nhiên, qua theo dõi thì đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện việc xử lý vi phạm theo Nghị định này. Trong đó có lý do là cơ quan chức năng sẽ rất khó để lấy được bằng chứng vi phạm, vì vậy, dẫu biết là có xảy ra chuyện bạo hành nhưng vẫn không thể xử phạt được.
 
Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, Nghị định 167 đã “đi vào cuộc sống” đến đâu và không biết có gia đình nào đã bị phạt hay chưa, nhưng rõ ràng Nghị định này đã thu hút được sự quan tâm, đồng tình của dư luận và ít ra cũng đã nhắc nhở mọi người hãy sống văn minh hơn và mang tính cảnh báo rằng, mọi hành vi làm ảnh hưởng đến người khác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, quy định xử phạt là cần thiết nhưng sẽ rất khó để thực hiện. “Nghị định mới đưa ra, xét về bình diện những quy tắc ứng xử cũng như nội quy để các cá nhân hành xử ở cộng đồng, tôi cho rằng điều đó là đáng hoan nghênh. Hiện nay, có thể một số người sẽ thấy rằng, tính khả thi của nó thấp, thậm chí rất thấp hoặc là dường như không thể thực hiện được. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì những quy định đó là cần thiết, đòi hỏi phải có lộ trình thích hợp để thực hiện”, TS  Bình cho biết.

Công Bằng

Các tin khác